Người trồng cao su có lãi khi giá mủ tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều năm rớt giá, thời gian gần đây, giá mủ cao su liên tục tăng cao. Đây là động lực để người trồng cao su tiếp tục duy trì ổn định diện tích vườn cây.

Người trồng cao su có lãi

Huyện Chư Păh có khoảng 1.238 ha cao su tiểu điền, tập trung chủ yếu tại các xã: Hà Tây, Đak Tơ Ve, Ia Phí, Hòa Phú, Ia Khươl. Ông Hmir (làng Mor, xã Đak Tơ Ve) cho biết: Trước đây, tôi quyết định chuyển đổi toàn bộ 15 ha mì sang trồng cao su. Tuy nhiên, đến thời kỳ thu hoạch thì giá mủ cao su liên tục giảm, thu không đủ bù chi khiến kinh tế gia đình rất khó khăn. Thời điểm đó, không ít hộ dân trong xã chặt bỏ vườn cây để chuyển sang trồng các loại cây khác. Riêng gia đình tôi vẫn giữ vườn cây. “Năm nay, giá mủ đông tăng lên mức 12-15 ngàn đồng/kg. Với 15 ha, mỗi tuần, tôi thu được hơn 2 tấn mủ, lãi khoảng 20 triệu đồng”-ông Hmir phấn khởi nói.

  Vườn cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vườn cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Ảnh: Nguyễn Diệp


Giá mủ cao su tăng mạnh cũng đã đem lại niềm vui lớn cho gia đình ông Trần Nhựt (làng Kliên, xã Ia Khươl). Ông vui vẻ cho hay: “Tôi có 3 ha cao su tiểu điền khai thác từ năm 2011. Năm nay là năm đầu tiên gia đình tôi được hưởng niềm vui khi giá mủ cao su tăng cao. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 17 triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ trồng cao su trong xã cũng có được nguồn thu nhập cao”.

Không chỉ các hộ dân phấn khởi, nhiều doanh nghiệp trồng và khai thác mủ cao su trên địa bàn tỉnh cũng hân hoan báo lãi nhờ giá “vàng trắng” tăng vọt từ đầu năm 2021. Ông Phạm Đình Luyến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh-cho biết: Công ty có trên 9.800 ha cao su, trong đó, diện tích đang khai thác trên 4.700 ha. Năng suất mủ bình quân đạt 1,7 tấn/ha. Giá mủ cao su năm nay tăng 28-30% so với năm 2020 giúp đơn vị đạt và vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động tăng đáng kể, bình quân đạt 7,2-7,5 triệu đồng/tháng.

Tập trung ổn định diện tích

Trước tín hiệu vui từ giá mủ cao su, một số hộ dân bắt đầu rục rịch đầu tư mở rộng diện tích vườn cây. Theo ông Trần Thành Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Ve, hiện nay, một số hộ dân trong xã đã bắt đầu chuyển diện tích mì, bời lời kém hiệu quả sang trồng cao su. Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn cây giống nên nhiều hộ gặp khó khăn trong trồng mới. “Ủy ban nhân dân xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không chuyển đổi ồ ạt, tránh thiệt hại về kinh tế”-ông Trung cho hay.

Ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-chia sẻ: Giá mủ tăng cao là tín hiệu vui cho người trồng cao su trên địa bàn. Tuy nhiên, để đảm bảo diện tích theo quy hoạch và hạn chế tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích, Phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện theo đúng chủ trương, định hướng của cơ quan chuyên môn; chỉ chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả và những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cao su để hạn chế rủi ro.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Toàn tỉnh hiện có 88.650 ha cao su. Trong đó, diện tích khai thác đạt 79.202 ha, năng suất mủ cao su bình quân trên 1,56 tấn/ha. Thời gian qua, giá mủ cao su tăng đã giúp người dân và doanh nghiệp phần nào vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh không khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng mới. Theo định hướng của tỉnh, đến năm 2025, diện tích cao su sẽ giảm xuống còn khoảng 60.000 ha. Trong đó, tập trung giảm những diện tích kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn quả, cà phê và cây dược liệu.

 

 NGUYỄN DIỆP - QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.