Chư Prông đầu tư giống lúa chất lượng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Prông đã đầu tư những giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao để từng bước đưa lúa trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.  
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, toàn huyện có hơn 4.000 ha lúa nước 2 vụ, tập trung tại 2 xã Ia Lâu, Ia Piơr. Năng suất lúa bình quân đạt 5,6 tấn/ha, riêng cánh đồng Ia Lâu, Ia Piơr đạt 8 tấn/ha. 
Cùng với đầu tư phát triển cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, hồ tiêu và cây ăn quả, khoảng 2 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp huyện tập trung mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con sử dụng giống lúa thuần thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng từng vùng, áp dụng phương pháp canh tác mới như “3 giảm, 3 tăng”, gieo sạ 10-12 kg/sào… Mỗi xã lựa chọn 1-2 giống lúa nước năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh gây hại để đưa vào gieo trồng.
Vụ Đông Xuân 2021-2022, từ nguồn vốn hỗ trợ đất trồng lúa 1,1 tỷ đồng, huyện mua 80 tấn giống lúa thuần, xác nhận có năng suất, chất lượng cao như OM4900, OM6976, HT1, Đài Thơm và N25 hỗ trợ nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, huyện xây dựng mô hình trồng hơn 1,2 ha lúa nước tại cánh đồng làng Chư Kó (xã Ia Púch); mở rộng diện tích sản xuất cánh đồng lúa nước làng Me (xã Ia Piơr) lên 90 ha...
Ông Siu Djuăck-Trưởng thôn 5 cùng cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Thăng Hưng kiểm tra ruộng lúa Đông Xuân mới gieo sạ. Ảnh: Nguyễn Hồng
Ông Siu Djuăck-Trưởng thôn 5 cùng cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Thăng Hưng kiểm tra ruộng lúa Đông Xuân mới gieo sạ. Ảnh: Nguyễn Hồng
Tại cánh đồng lúa nước Ia Cành (thôn 5, xã Thăng Hưng), nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số gieo sạ lúa vụ Đông Xuân sớm hơn so với những năm trước. Ông Siu Djuăck-Trưởng thôn 5-cho biết: Thôn có diện tích lúa nước nhiều nhất xã với 35 ha. Vừa rồi, nhiều hộ được hỗ trợ giống lúa HT1 để gieo trồng vụ Đông Xuân, bà con rất phấn khởi.
Tương tự, bà Kpă Luan (cùng thôn) cho hay: Sau khi được huyện hỗ trợ giống lúa xác nhận HT1 sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, chúng tôi gieo sạ theo lịch thời vụ của xã. Gia đình tôi đã gieo sạ xong 2 sào được hơn 1 tuần, cây lúa sinh trưởng tốt.
Bà Kpă Luan phơi lúa nước vụ mùa 2021 vừa mới thu hoạch xong. Ảnh: Nguyễn Hồng
Bà Kpă Luan (thôn 5, xã Thăng Hưng) phơi lúa vụ mùa 2021. Ảnh: Nguyễn Hồng
Bà Trần Thị Phương Lan-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Thăng Hưng-chia sẻ: “Toàn xã có khoảng 141 ha lúa nước 2 vụ. Vụ Đông Xuân 2021-2022, người dân được huyện hỗ trợ 6 tấn lúa giống HT1 để sản xuất 50 ha. Chúng tôi hướng dẫn bà con gieo trồng sớm hơn mọi năm ở những chân ruộng thấp, xây dựng kế hoạch điều tiết nước tưới phù hợp nhằm tránh hạn cuối vụ”.
Đến thời điểm này, người dân 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr đã gieo trồng được 90% diện tích lúa nước, các xã khác đang xuống giống. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với các xã, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, xây dựng kế hoạch chống hạn ở từng cánh đồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Đồng thời, khuyến cáo người dân xuống giống tập trung để hạn chế sự xuất hiện của sâu bệnh gây hại. Dự kiến, việc gieo sạ lúa nước vụ Đông Xuân 2021-2022 sẽ hoàn thành trước ngày 15-12.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi vụ sản xuất, huyện hỗ trợ giống lúa nước năng suất, chất lượng cao cho người dân. Việc này không chỉ góp phần ổn định an ninh lương thực tại chỗ mà còn nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Ia Lâu” huyện Chư Prông. Đây là động lực để người dân tiếp tục sản xuất những giống lúa năng suất, chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. 
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.