Nông dân Nghĩa Hưng liên kết sản xuất cà phê sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nông hội sản xuất cà phê sạch xã Nghĩa Hưng được thành lập ngày 12-12-2019. Đây là nông hội đầu tiên được thành lập ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Khi mới thành lập, Nông hội có 30 hộ hội viên đăng ký sản xuất 300 ha cà phê sạch.

Tham gia Nông hội, bà con nông dân ký kết thực hiện “Dự án nâng cao tính bền vững của sản xuất cà phê cho nông dân tại tỉnh Gia Lai” với Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex tại Gia Lai. Chi nhánh hỗ trợ bà con kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hái, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; hướng dẫn phương cách phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, xử lý an toàn rác thải, thích ứng với biến đổi khí hậu... Về phần mình, bà con nông dân có trách nhiệm tham gia đầy đủ các khóa tập huấn, thực hiện các yêu cầu ghi chép nhật ký nông hộ, tuân thủ đúng quy định của Bộ quy tắc Chương trình phát triển cà phê bền vững (UTZ)…

 Nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) thu hoạch cà phê. Ảnh: Ngọc Thu
Nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) thu hoạch cà phê. Ảnh: Ngọc Thu


Bà Trần Thị Hải Lý-Chủ nhiệm Nông hội-phấn khởi cho hay: “Đến nay, 195 hội viên nông dân xã Nghĩa Hưng tự nguyện ký cam kết canh tác hơn 600 ha cà phê sạch với Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex. Qua thời gian hợp tác làm ăn, các hội viên đều đánh giá cao mô hình và đồng thuận cam kết gắn bó lâu dài”.

Trực tiếp đi tham quan vườn cà phê của hội viên Nông hội sản xuất cà phê sạch xã Nghĩa Hưng, chúng tôi rất ấn tượng với vườn cây được chăm sóc cẩn thận, sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Không chỉ có hội viên người Kinh, vườn cà phê của bà con dân tộc thiểu số cũng xanh tốt, năng suất cao. Ông Rơ Com Hlung (làng Bui) bộc bạch: “Vườn cà phê của gia đình rộng gần 2 ha. Mình ký cam kết làm ăn với Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex tại Gia Lai vào năm 2018. Trước đây, mình chưa biết nhiều về mô hình sản xuất cà phê sạch, chỉ làm theo kiểu truyền thống, thu hoạch 7-8 tấn quả tươi/ha. Sau khi tham gia Nông hội, hiệu quả mang lại khá cao, năng suất đạt 14 tấn quả tươi/ha. Năm nay thời tiết thuận lợi nên khả năng thu hoạch hơn 15 tấn quả tươi/ha”. Theo ông Hlung, nhờ làm theo cán bộ hướng dẫn mà hơn 130 hộ người Jrai làng Bui nắm bắt quy trình sản xuất cà phê sạch từ cây giống, chăm sóc, tưới tiết kiệm nước, thu hái, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ. Nhiều hộ cải thiện thu nhập từ việc tham gia mô hình làm cà phê sạch.

Nói về mô hình, ông Huỳnh Trọng Quang-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả nhiều mặt mà mô hình mang lại. Đáng kể nhất là thành quả làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững theo chủ trương của tỉnh. Lãnh đạo xã thường xuyên theo dõi, chỉ đạo Nông hội sản xuất cà phê sạch và bà con tiếp tục phát huy kết quả đạt được, phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa mô hình này”.

Với tư cách là đối tác thực hiện mô hình, ông Trần Văn Chín-Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Mascopex tại Gia Lai đánh giá cao tinh thần hợp tác của xã Nghĩa Hưng, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký kết, nhất là việc thu hút bà con tham gia tập huấn, thực hiện tốt các quy chuẩn sản xuất cà phê chất lượng cao để xuất khẩu.

 

HOÀNG CƯ
 

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.