Chư Sê canh tác cà phê theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vận động bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP, hữu cơ để nâng cao giá trị và chất lượng cà phê.
Cà phê là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho nông dân huyện Chư Sê. Toàn huyện có khoảng 10.642 ha cà phê, trong đó hơn 9.000 ha đang kinh doanh. Trước thực trạng diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng, huyện hỗ trợ người dân những giống mới cho năng suất chất lượng cao như: TRS1, TRS4, TS5… cũng như mở các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác theo hướng bền vững. Đặc biệt, huyện tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua cà phê có uy tín liên kết với người dân, hợp tác xã sản xuất sạch theo tiêu chuẩn 4C, VietGAP, hữu cơ… nhằm nâng cao giá trị và chất lượng cà phê.
Ông Lâm Văn Ninh-chuyên viên Dự án cà phê bền vững Neumann (Công ty TNHH Neumann Gruppe Việt Nam-Chi nhánh tại Chư Sê) cho biết: Chúng tôi liên kết với 600 hộ nông dân ở các xã: Ia Tiêm, Al Bá, Kông Htok, Dun, Ia Blang, Ia Hlốp và thị trấn Chư Sê sản xuất gần 1.000 ha cà phê có chứng nhận Rainforest Alliance (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững). Hàng năm, Công ty mời các chuyên gia uy tín tập huấn về quy trình và phương pháp sản xuất cà phê bền vững. Theo đó, bà con nông dân được hướng dẫn sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, trồng xen cây che bóng mát trong vườn, không sử dụng thuốc diệt cỏ và thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất bị cấm nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, Công ty còn cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường 600 đồng/kg cà phê nhân. “Năm nay, chúng tôi dự kiến thu mua khoảng 3.000 tấn cà phê có chứng nhận Rainforest Alliance của các hộ đã tham gia sản xuất theo quy trình”-ông Ninh cam kết.
Vườn cà phê của ông Trương Ngọc Hiếu (thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh. Ảnh: Nguyễn Hồng
Vườn cà phê của ông Trương Ngọc Hiếu (thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh. Ảnh: Nguyễn Hồng
Cùng với sản xuất cà phê sạch, hiện nay, một số nông dân huyện Chư Sê bắt đầu sản xuất cà phê theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học thông minh. Ông Trương Ngọc Hiếu (thôn 2, xã Ia Hlốp) trồng 1,5 ha cà phê. Ông Hiếu không sử dụng thuốc trừ sâu, không làm cỏ, cắt cành mà chỉ tưới nước để cây phát triển. Chi phí đầu tư năm đầu xấp xỉ 80 triệu đồng, cao hơn so với canh tác truyền thống nhưng năm sau sẽ giảm dần. “Với giá phân bón tăng cao như hiện nay thì chuyển sang sản xuất theo hướng này giúp năng suất vườn cây tăng cao. Hy vọng trong thời gian tới, nhiều người cùng sản xuất theo cách này để có được sản lượng cà phê nhiều, doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg nhân”-ông Hiếu nói.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Những năm gần đây, người dân và các HTX liên kết với một số doanh nghiệp uy tín để sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu với diện tích hơn 2.000 ha. Các doanh nghiệp tập huấn cho nông dân sản xuất theo đúng quy trình chuẩn, thu mua giá cao hơn, hỗ trợ chi phí chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cách làm này góp phần giảm nhiều chi phí đầu tư sản xuất, năng suất cà phê tăng 10-20% so với trước đây.
“Hiện nay, nông dân trong huyện đang bắt đầu thu hoạch cà phê niên vụ 2021-2022. Chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh dưới tán cây, chỉ thu hoạch khi tỷ lệ quả chín nhiều, sử dụng sân phơi đảm bảo sạch sẽ, tổ chức chế biến cà phê ướt… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn để cung cấp cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu nhằm nâng tầm giá trị hạt cà phê, tăng lợi nhuận cho người dân”-ông Hợp cho biết thêm.
NGUYỄN HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.