Siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã phát hiện 72 cơ sở có hành vi vi phạm quy định về sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở này với số tiền 406 triệu đồng.

Nông dân lo lắng

Hàng năm, ông Phạm Ngọc Tài (làng Kte, xã Đak Tơ Ve, huyện Chư Păh) mua hàng tấn phân bón, thuốc BVTV để phục vụ vườn cà phê hơn 2 ha. “Trước đây, trên địa bàn cũng có một số hộ dân mua phải phân bón kém chất lượng. Hậu quả là cây sinh trưởng, phát triển kém, năng suất giảm. Chính vì vậy, tôi thường chọn mua loại phân bón, thuốc BVTV tại các cửa hàng uy tín và sử dụng có hiệu quả nhiều năm nay”-ông Tài chia sẻ.

Ông Lê Văn Xuân (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bón phân cho ruộng bắp của gia đình. Ảnh: Quang Tấn
Ông Lê Văn Xuân (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) bón phân cho ruộng bắp của gia đình. Ảnh: Quang Tấn


Tương tự, ông Lê Văn Xuân (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cũng khá lo lắng trước “ma trận” các loại phân bón, thuốc BVTV trên thị trường hiện nay. Ông cho hay: “Bên cạnh vườn cà phê 2 ha, tôi còn trồng thêm chanh dây, bắp lai, mắc ca. Vì vậy, mỗi năm, tôi phải sử dụng hàng chục tấn phân bón, thuốc BVTV. Nếu mua phải phân kém chất lượng thì nhà nông chúng tôi sẽ lâm vào cảnh khó chồng khó. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát chặt các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn kịp thời các loại phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, giúp nông dân an tâm sản xuất”.

Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 75 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Không chỉ tích cực phối hợp với ngành chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, Phòng còn thường xuyên trao đổi, nắm thông tin phản hồi từ người dân nhằm quản lý tốt các cơ sở này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý của địa phương là chỉ kiểm tra được các khâu như giấy tờ, thủ tục, nhãn hiệu hàng hóa, chưa đánh giá được chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, phân bón, thuốc BVTV ngày càng đa dạng, nhiều chủng loại dẫn đến công tác quản lý nhà nước gặp khó khăn, nhất là vấn đề kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng sản phẩm.

Mạnh tay xử lý vi phạm

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về thanh-kiểm tra doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn thanh tra về tình hình sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành thanh-kiểm tra 181/202 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp (trong đó, 28 cơ sở không còn hoạt động, 38 cơ sở tạm dừng hoạt động, 115 cơ sở đang hoạt động). Qua kiểm tra trực tiếp tại 115 cơ sở đang hoạt động, đơn vị đã phát hiện 72 cơ sở có hành vi vi phạm.

Đội Quản lý Thị trường số 5 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh) tịch thu số thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất cấm tại hộ kinh doanh Hoa Thuận 2 (xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Vũ Thảo
Đội Quản lý Thị trường số 5 (Cục Quản lý Thị trường tỉnh) tịch thu số thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất cấm tại hộ kinh doanh Hoa Thuận 2 (xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Vũ Thảo


Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 72 cơ sở với số tiền 406 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị các cơ sở tiến hành khắc phục các lỗi sai phạm, thu hồi trả về nơi xuất xứ các mặt hàng phân bón không có quyết định lưu hành tại Việt Nam, thuốc BVTV không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam…

Bên cạnh đó,  Cục Quản lý Thị trường tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Theo đó, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 157 cơ sơ kinh doanh phân bón trên địa bàn, phát hiện 70 cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 834 triệu đồng. Ngoài ra, Cục Quản lý Thị trường tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV với tổng số 43,5 triệu đồng. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu 120 bao phân bón hết hạn sử dụng; buộc thu hồi để tái chế 488 bao phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; tiêu hủy 59 gói thuốc trừ cỏ nhãn hiệu BIOGLY 88.8SP và 10,8 lít thuốc trừ cỏ Haihadup 480SL.

 Phân bón có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệp
Phân bón có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp


Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt nhằm giám sát chặt nguồn vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về quản lý vật tư nông nghiệp ngày càng rõ ràng, mức xử lý vi phạm hành chính đủ sức răn đe. Tuy nhiên, do giá nông sản xuống thấp, nông dân ít đầu tư nên một số cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV thua lỗ ngừng hoạt động; một số cơ sở kinh doanh mang tính thời vụ, nhỏ lẻ, hoạt động không thường xuyên gây khó khăn trong hoạt động thanh-kiểm tra.

Cũng theo ông Nghĩa, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai giám sát các cơ sở vi phạm nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nhận biết mặt hàng phân bón, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng để không đưa vào buôn bán; khuyến khích kinh doanh các mặt hàng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt.

 

 QUANG TẤN - NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.