Gia Lai thu hút nguồn lực phát triển nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 26-8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học chất lượng cao vào sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoànđđại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy. Cùng dự có lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với tỉnh.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam


Những kết quả bước đầu

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 15-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nền nông nghiệp Gia Lai đã từng bước đi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các vùng chuyên canh và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đến cuối năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,18% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trung bình hàng năm đạt 5,18%, riêng năm 2020 giá trị sản xuất đạt 30.186 tỷ đồng, gấp 1,29 lần so với năm 2015. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn khoảng 3.603 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 10 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm hoặc đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục với vốn đầu tư 3.882 tỷ đồng.

 

Đến cuối năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,18% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Đến cuối năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,18% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy


Lĩnh vực chăn nuôi có 145 dự án được nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn đầu tư 21.097 tỷ đồng. Trong đó, 30 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 4.500 tỷ đồng; 36 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký hơn 7.300 tỷ đồng; 79 dự án đang triển khai các thủ tục để trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu dự án có tổng vốn đầu tư gần 9.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 12 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông-lâm sản, hiện đang kêu gọi và đưa các doanh nghiệp làm đầu mối chuỗi để hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển. Theo đó, toàn tỉnh hiện đã hình thành 201 cánh đồng lớn; diện tích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khoảng 133.039 ha cây trồng các loại với 81 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác, 11.862 hộ nông dân và trên 42 doanh nghiệp tham gia.

Đánh giá về kết quả đạt được của địa phương, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa bằng Chương trình số 23, chỉ đạo UBND huyện triển khai thực hiện. Nhờ đó, ngành nông nghiệp của Đak Đoa phát triển tương đối ổn định, bình quân tăng trên 7%/năm; tổng giá trị sản phẩm dịch vụ nông-lâm-thủy sản đạt 24.365 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 ước 4.749 tỷ đồng.

Đại diện các doanh nghiệp triển khai chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản với tỉnh, ông Phùng Vinh An-Giám đốc vùng cây công nghiệp và cây lúa Đông Nam Bộ-Tây Nguyên (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: Đơn vị đã liên kết với người dân trồng 148 ha lúa với sản lượng 1.100 tấn; liên kết với một số hợp tác xã ở các huyện: Chư Pưh, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông trồng hơn 5.000 ha bắp sinh khối và tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tiếp theo. Đối với rau màu, Tập đoàn Lộc Trời đang hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho các hợp tác xã ở thị An Khê, Đak Pơ, từng bước đưa công nghệ mới áp dụng vào sản xuất như phun thuốc bằng máy bay không người lái, máy trẩy hạt bắp nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. “Chúng tôi đã làm việc với huyện Chư Sê để xây dựng kế hoạch thành lập nông hội hồ tiêu để thí điểm sản xuất hồ tiêu sạch, đồng thời hình thành liên kết thông qua ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hội và người dân trên địa bàn tỉnh”-ông An khẳng định.

Thu hút nguồn lực phát triển nông nghiệp

Tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Phú Thiện Nguyễn Hoàng Phong nêu ý kiến: Tỉnh cần ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn huyện. Bởi trên địa bàn huyện có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhưng việc chế biến sâu thì chưa có. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Lộc Trời về quy hoạch vùng trồng lúa xuất khẩu qua Nhật với diện tích từ 200 đến 300 ha, huyện đăng ký làm việc với doanh nghiệp về vấn đề này để xúc tiến xây dựng vùng chuyên canh lúa của địa phương nhằm nâng cao giá trị lúa gạo và nâng cao thu nhập của người dân.

Đến cuối năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,18% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Việc xây dựng vùng chuyên canh lúa sẽ góp phần nâng cao giá trị lúa gạo và nâng cao thu nhập của người dân. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: “Phát triển nông nghiệp phải gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Và xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thực chất chứ không phải chạy theo danh hiệu, người dân có cuộc sống ấm no, được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần, an ninh chính trị phải được giữ vững. Đồng thời, các sở, ngành tham mưu giúp Ban cán sự UBND tỉnh xây dựng nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, công nghệ chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030. Đây là một trong những chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định, nhất là cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp phải đạt được trong thời gian đến”.

Trao đổi về đề xuất của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: Lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh tương đối thuận lợi, nếu doanh nghiệp phản ánh còn khó khăn thì tỉnh sẽ có giải pháp tháo gỡ. Đối với khó khăn về bao bì đóng gói phục vụ cho sản phẩm nông nghiệp, tỉnh sẽ đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ mở các chi nhánh trên địa bàn giúp giảm giá thành. Về việc đề nghị mở rộng vùng liên kết sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với huyện về vấn đề này, đồng thời có trách nhiệm liên kết với các doanh nghiệp cung cấp nguồn giống chất lượng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất giống cây trồng phục vụ sản xuất của người dân...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu rõ: Trong điều kiện hiện nay, xu hướng hội nhập, liên kết ngày càng phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững, hiệu quả. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh liên quan vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Vấn đề hiện nay là tổ chức thực hiện một cách khoa học, hiệu quả, cùng với sự ủng hộ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã vào từng khâu, từng việc cụ thể mới mong có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong thời gian đến. Tập trung xây dựng quy hoạch nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng chọn cách đi, hướng đi phù hợp nhằm thực hiện thật tốt việc liên kết và chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, nông dân và Nhà nước thì hiệu quả mới cao. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp; lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các ngành, địa phương đầu tư nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiệp. Đi đôi với việc này cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; ngành Khoa học và Công nghệ cần triển khai các nghiên cứu, đề tài cho phát triển nông nghiệp nhưng phải đảm bảo ứng dụng trong thực tiễn một cách hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Triển khai kịp thời các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các mô hình liên kết cùng nhau phát triển, tạo ra những sản phẩm có giá trị. Trong đó, chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện vì mục tiêu chung cho phát triển nông nghiệp.

 

 MINH TRIỀU - LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.