Chư Prông hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết và chú trọng Chương trình OCOP nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Tháng 8-2018, được UBND huyện hỗ trợ kinh phí, UBND xã Ia Phìn phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Thảo Nguyên triển khai Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm từ cây cà phê. Dự án thu hút 50 hộ dân tham gia với 25 ha cà phê. Ngoài cấp phân bón cho các hộ dân, HTX Thảo Nguyên còn tổ chức 3 lớp tập huấn sản xuất theo hướng bền vững, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân vi sinh, hữu cơ và các loại thuốc sinh học để đảm bảo chất lượng sản phẩm. 
Ông Nguyễn Văn Đảo (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn) cho biết: “Từ khi tham gia dự án này, tôi học được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc vườn cây. Nhờ đó, năng suất cà phê cao gấp rưỡi so với trước”.
Hợp tác xã Hợp Tiến liên kết đã giúp nông dân xã Ia Lâu trồng lúa đạt hiểu quả cao và bao tiêu sản phẩm (ảnh chụp tháng 11-2020, Hồng Thương)
Hợp tác xã nông-công nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc giúp nông dân xã Ia Lâu trồng lúa đạt hiểu quả cao (ảnh chụp tháng 11-2020). Ảnh: Hồng Thương
Tương tự, HTX nông-công nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến (xã Ia Lâu) cũng tích cực triển khai các bước trong quy trình sản xuất, cung cấp phân bón đảm bảo chất lượng, giống cây trồng mới và bao tiêu sản phẩm cho 45 hộ tham gia Dự án. Giai đoạn 2018-2020, ngoài kinh phí do huyện hỗ trợ 330 triệu đồng, các thành viên HTX và người dân còn đối ứng thêm 20% kinh phí để canh tác hơn 30 ha lúa, trên 70 ha điều. Ông Hoàng Văn Khánh (thôn Cao Lạng) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng 5 ha lúa Ma Lâm năng suất chỉ đạt 4-6 tấn/ha. Sau khi được HTX hướng dẫn, tôi chuyển sang trồng giống lúa DV108 và Đài Thơm 8. Tôi còn được HTX hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên năng suất lúa đã tăng vọt lên 8-10 tấn/ha. Hiện HTX bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường”. 
Ông Nhữ Văn Kỳ-Giám đốc HTX nông-công nghiệp và dịch vụ Hợp Tiến-cho hay: “Năm 2021, mặc dù chưa có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước nhưng HTX vẫn tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, cung ứng các giống lúa mới cho năng suất cao, trong đó, liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho hơn 500 ha lúa và 1.000 ha điều. Đặc biệt, HTX hỗ trợ 50% giá phân bón hữu cơ để giúp 10 hộ dân thí điểm trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm đạt chất lượng sản phẩm cao hơn”.
Đẩy mạnh chương trình OCOP
Vườn măng tây của anh Trần Hạnh từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của các đại lý rau sạch không chỉ ở Pleiku mà còn ở một số tỉnh, thành khác như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Theo anh Hạnh, sở dĩ măng tây của anh được tin tưởng lựa chọn là bởi tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Để phòng ngừa sâu bệnh cho măng tây, anh chỉ dùng các chế phẩm sinh học hoặc dùng thiên địch như: sâu khoan, giun đất để cải tạo cho đất tơi xốp. Sử dụng phân chuồng trộn với vỏ cà phê đã được ủ kỹ để bón cho măng tây. Nhờ vậy, năm 2020, sản phẩm măng tây xanh Trần Hạnh đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. “Sau khi sản phẩm măng tây xanh được chứng nhận OCOP 3 sao, khách hàng càng tin tưởng. Tôi rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm”-anh Hạnh nói.
Tại xã Ia Vê, sản phẩm trà mãng cầu, trà sả chanh, đậu đen xanh lòng… của cơ sở sản xuất Tâm Bình An bước đầu đã được người tiêu dùng đón nhận. Chị Phạm Thị Bình-chủ cơ sở Tâm Bình An-cho biết: Nguồn nguyên liệu để làm ra sản phẩm chủ yếu do gia đình tự trồng, chăm sóc theo hướng sạch, hữu cơ. Do vậy, khách hàng yên tâm về chất lượng sản phẩm nên số lượng sản phẩm bán ra ngày một nhiều. Nhận thấy những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP luôn có được chỗ đứng nhất định trên thị trường, chị Bình cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương và các ngành chức năng để mở rộng sản xuất, từ đó xây dựng sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng. 
Sản phẩm măng tây của anh Trần Hạnh (xã Bàu Cạn) đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Hà Duy
Sản phẩm măng tây của anh Trần Hạnh (xã Bàu Cạn) đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Ảnh: Hà Duy
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, năm 2020, toàn huyện có 5 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh là: hạt điều rang muối Vương Lanh, hạt mắc ca sấy Phố Núi, tinh dầu sả Ja Va Hồng Hải, cà phê Quyến Gia và măng tây xanh Trần Hạnh. Theo dự kiến, năm nay, huyện sẽ có thêm 21 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và thảo dược của 14  doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh. 
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn 14 chủ thể của 21 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP theo kế hoạch đăng ký hồi đầu năm 2021; phấn đấu có 21 sản phẩm đạt OCOP cấp huyện, 19 sản phẩm được chứng nhận đạt 3 sao cấp tỉnh và có 1-2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh. Cùng với đó, Phòng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP cho nông dân; quản lý và phát triển nâng cấp chất lượng sản phẩm/chuỗi sản phẩm chủ lực của huyện. Đồng thời, chú trọng xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Từ năm 2016, UBND huyện Chư Prông đã chỉ đạo tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như hạn chế những tác động xấu đến môi trường. Theo đó, huyện đã hỗ trợ giống, phân bón để người dân tái canh gần 1.400 ha cà phê, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước trên diện tích gần 1.300 ha. Huyện còn hỗ trợ giống cây ăn quả, cây điều để người dân trồng xen trong diện tích cây công nghiệp nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất hiện có. Ngoài ra, các mô hình trình diễn lúa cho năng suất, chất lượng cao, sản xuất, chuyển giao giống mới và xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP… cũng được huyện chú trọng.
Bên cạnh đó, huyện cũng xác định phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là hướng đi chủ đạo nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, vận động người dân tham gia quy trình sản xuất hữu cơ, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch... 
Nông dân huyện Chư Prông tham gia Dự án liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm (ảnh chụp tháng 11-2020). Ảnh: Hồng Thương
Nông dân huyện Chư Prông tham gia Dự án liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm (ảnh chụp tháng 11-2020). Ảnh: Hồng Thương
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-nhìn nhận: “Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2018-2020 đã mang lại hiệu quả bước đầu. Theo đó, 985 hộ dân tại 19 xã tham gia Dự án với diện tích 919,8 ha (476 ha cà phê, 20 ha điều, 423,85 ha lúa) đã được hỗ trợ sản xuất các loại cây trồng với tổng kinh phí trên 9,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách sự nghiệp xây dựng nông thôn mới hơn 6,8 tỷ đồng, người dân đối ứng trên 2,6 tỷ đồng. Cũng từ dự án này, 50 hộ được hỗ trợ 10.000 cây điều ghép; 24 hộ hỗ trợ 24 con bò sinh sản; 911 hộ hỗ trợ phân bón NPK với tổng khối lượng 219,3 tấn. “Dự án đã giúp cho nhiều hộ dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là được hỗ trợ khoa học kỹ thuật để áp dụng sản xuất hiệu quả hơn. Qua đó, tạo ra sản phẩm chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường để đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm”-ông Luyến cho biết.
Ông Luyến cũng thông tin thêm: “Thời gian tới, Phòng đề xuất UBND huyện có chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX và người dân đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về chương trình OCOP, từ đó sẽ từng bước phát triển, nâng cấp sản phẩm/chuỗi sản phẩm chủ lực của huyện. Phòng cũng sẽ nỗ lực xúc tiến thương mại, huy động mọi nguồn lực để chung tay đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường rộng lớn hơn, giúp nông dân ổn định sản xuất”.
HÀ DUY - NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.