Tìm giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Chủ động vượt khó

Thời gian qua, giá các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất lợi. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến nhiều mặt hàng nông sản khó tiêu thụ, giá cả thiếu ổn định. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết sản xuất cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm nên hoạt động sản xuất được duy trì và giữ ổn định.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) cho biết: Từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, hoạt động của Công ty bị ảnh hưởng không nhỏ. Các thị trường truyền thống không thể xuất hàng, sản xuất đình trệ. “Trước tình hình đó, Công ty chủ động tìm đến các siêu thị, doanh nghiệp tại Bình Định, Kon Tum và Đak Lak ký hợp đồng cung ứng rau củ quả an toàn. Bình quân mỗi tháng, đơn vị cung cấp khoảng 30 tấn rau quả các loại với giá ổn định; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động với mức lương 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận hàng tháng khoảng hơn 20 triệu đồng là điều đáng quý trong điều kiện dịch Covid-19 hết sức phức tạp”-ông Hoàng nói.

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) sản xuất rau công nghệ cao trong nhà lồng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) sản xuất rau công nghệ cao trong nhà lồng. Ảnh: Nguyễn Diệp


Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Bình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) thì cho hay: Khoảng 10 ngày nữa, Hợp tác xã bắt đầu thu hoạch sầu riêng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc vận chuyển sẽ gặp nhiều khó khăn. Mới đây, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19 giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình với các nhà phân phối tại Đà Nẵng. Cùng với đó, chúng tôi cũng tích cực tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp lớn ở các tỉnh, đảm bảo điều kiện thu mua, vận chuyển thông suốt trong điều kiện dịch bệnh.

Ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: Hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện đang chuẩn bị bước vào thu hoạch các loại cây ăn quả. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức kết nối thị trường Đà Nẵng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng và cây ăn quả của địa phương trong thời gian tới. Dự kiến sẽ có 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn huyện có sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn, gắn mã QR Code để các nhà phân phối tại Đà Nẵng kết nối, tương tác. Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã của địa phương sẽ thương thảo, thỏa thuận về sản phẩm, giá cả hợp đồng cung ứng, tiêu thụ.

Hướng đến “mục tiêu kép”

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng của địa phương. “Thời gian tới, nếu điều kiện cho phép, huyện sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức hội chợ để quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Đồng thời, mời các doanh nghiệp, hợp tác xã của những địa phương lân cận như: Chư Sê, Phú Thiện… cùng tham gia nhằm tạo sản phẩm đa dạng, kích thích người tiêu dùng trên địa bàn. Cùng với đó, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng trên mạng xã hội”-ông Tứ cho biết.

Nông nghiệp được xác định là một trong những “trụ đỡ” phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Để hoàn thành kế hoạch năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất từ nay đến cuối năm với các kịch bản cụ thể trong bối cảnh dịch bệnh.

  Xe tải từ các tỉnh về xã Ia Băng (huyện Chư Prông) vận chuyển khoai lang đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Xe tải từ các tỉnh về xã Ia Băng (huyện Chư Prông) vận chuyển khoai lang đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Diệp


Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2021, Sở đã tổ chức đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản hàng hóa chủ lực của các địa phương. Từ đó, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả xuất khẩu. Đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các loại cây trồng có lợi thế của địa phương. Hướng dẫn người dân thực hành sản xuất theo quy trình chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ… Bên cạnh đó, tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng con giống cũng như đẩy mạnh phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

“Trong điều kiện vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất để duy trì hoạt động. Tập trung đánh giá những bất cập, hạn chế trên từng lĩnh vực của ngành, qua đó thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm giảm thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra”-ông Có cho biết thêm.

 

 NGUYỄN DIỆP-QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.