Gia Lai: Khẩn trương trồng mới 8.000 ha rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được các ngành và chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai quan tâm thực hiện, nhất là việc trồng rừng. Bước vào mùa mưa năm nay, ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng và người dân đang tập trung triển khai trồng mới 8.000 ha rừng.

Những kết quả đáng ghi nhận

Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu bảo vệ và phát triển rừng được duy trì ổn định. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã triển khai trồng được hơn 25.387 ha rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng (kể cả cây cao su và các cây đặc sản khác) lên 46,7%. Trong đó, trồng rừng tập trung hơn 21.288 ha (gồm 1.063 ha rừng phòng hộ, hơn 106 ha rừng đặc dụng, gần 20.120 ha rừng trồng sản xuất) và trồng cây phân tán gần 4.099 ha.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chuẩn bị cây giống cho vụ trồng rừng mới. Ảnh: Quang Tấn
Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang chuẩn bị cây giống cho vụ trồng rừng mới. Ảnh: Quang Tấn


Kông Chro là địa phương đi đầu trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và triển khai trồng rừng. Trong 5 năm (2016-2020), huyện đã thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và tiến hành trồng mới gần 4.280 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 55,76%. Đặc biệt, chủ trương trồng rừng nhận được sự đồng thuận và tích cực tham gia từ phía các doanh nghiệp, người dân. Ông Từ Tấn Lộc-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro-cho hay: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân nhận thấy lợi ích từ việc trồng rừng nên đã tự nguyện kê khai và đăng ký trồng rừng sản xuất. Đến nay, Công ty đã trồng được hơn 2.000 ha và đang tiến hành khai thác khoảng 200 ha rừng trồng”.

Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, công tác thu hồi đất rừng và chuyển đổi mục đích sang trồng rừng trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác trồng rừng còn gặp khó khăn do người dân thiếu vốn đầu tư, diện tích đất của các hộ manh mún, nhỏ lẻ… Việc mở đường lâm nghiệp vào vùng sâu, vùng xa đòi hỏi phải có sự đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, đất khu vực phía Tây sông Ba không phù hợp với trồng rừng, dù địa phương đã kêu gọi doanh nghiệp ngoài tỉnh đến khảo sát nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp phát triển phù hợp.

Vườn keo lá tràm chuẩn bị đem trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: Quang Tấn
Vườn keo lá tràm chuẩn bị đem trồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: Quang Tấn


Các huyện: Kbang, Đak Đoa, Đak Pơ cũng được đánh giá cao nhờ triển khai có hiệu quả công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang trồng rừng. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Thời gian qua, Phòng đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm và UBND các xã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt công tác trồng rừng. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng được thực hiện thường xuyên, liên tục; nhận thức của người dân ngày càng được cải thiện và tích cực tham gia. Nhờ vậy, trong các năm 2017-2020, diện tích rừng trồng ngoài quy hoạch 3 loại rừng của huyện là 1.207 ha, vượt 497 ha so với kế hoạch. Tuy nhiên, việc triển khai trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gặp khó khăn do mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha là quá thấp, không khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân tham gia.

Tích cực chuẩn bị trồng rừng

Năm 2021, Gia Lai phấn đấu trồng thêm 8.000 ha rừng, trong đó có 7.000 ha rừng tập trung và 1.000 ha cây phân tán. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, ngành chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện kê khai đất rừng lấn chiếm và lập danh sách đăng ký trồng rừng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho hay: “Theo kế hoạch, năm nay, huyện Kông Chro trồng mới 800 ha rừng, trong đó, 2 công ty lâm nghiệp trồng 350 ha, các xã trồng 450 ha. Hiện tại, ngành chức năng và các đơn vị liên quan đã vận động được 275 hộ dân đăng ký trồng rừng. Để đảm bảo kế hoạch đề ra, UBND huyện đang tiếp tục chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng; đồng thời, tập trung rà soát, kiểm tra các vùng quy hoạch trồng rừng nhằm chọn quỹ đất phù hợp để triển khai trồng”.

Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiêp Kông Chro cấp cây giống cho người dân trồng rừng. Ảnh: Quang Tấn
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiêp Kông Chro cấp cây giống cho người dân trồng rừng. Ảnh: Quang Tấn


Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro cho biết: “Theo kế hoạch, năm nay, Công ty triển khai trồng mới 300 ha rừng, gồm 100 ha trồng mới, 200 ha trồng trên diện tích đang khai thác. Chúng tôi đang tập trung hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, đào hố đúng kích thước và mật độ trồng. Ngoài ra, đơn vị cũng đã hợp đồng với cơ sở sản xuất giống uy tín và dự kiến xuống giống vào tháng 7-2021”. Còn ông Nguyễn Trường Hải-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai thì thông tin: Năm nay, đơn vị được giao trồng 90 ha rừng gồm 30 ha rừng phòng hộ và 60 ha rừng sản xuất, rừng thay thế. Đến nay, đơn vị đã phát dọn thực bì, đào hố tại các xã: Ia Khai, Ia Grăng và Ia Bă. Đơn vị cũng đã hợp đồng với vườn ươm cung cấp cây giống lâm nghiệp đạt tiêu chuẩn trồng rừng. Ngoài ra, Ban cũng đã vận động 32 hộ dân tự nguyện kê khai và đăng ký chuyển sang trồng 75 ha rừng, danh sách được niêm yết tại UBND các xã và thôn, làng.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện Đak Đoa đã chỉ đạo, đôn đốc cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ rừng và UBND các xã rà soát lập danh sách hộ đăng ký trồng rừng; khẩn trương chuẩn bị quỹ đất, phát dọn thực bì, đào hố để trồng rừng kịp mùa vụ. Đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã ươm khoảng 220.000 cây keo tai tượng để kịp thời hỗ trợ cho các xã trồng rừng đối với diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã liên hệ với các cơ sở sản xuất giống có uy tín chuẩn bị đầy đủ giống đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, chủng loại theo quy định phục vụ kế hoạch và hỗ trợ kịp thời cho người dân trồng rừng khi thời tiết thuận lợi, mưa đủ độ ẩm.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang phát dọn thực bì nhằm hạn chế xảy ra cháy rừng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang phát dọn thực bì nhằm hạn chế xảy ra cháy rừng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, các địa phương, chủ rừng, người dân và doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị đất, cây giống đảm bảo chất lượng, nguồn nhân lực để sẵn sàng trồng mới khi thời tiết thuận lợi. Để hoàn thành chỉ tiêu trồng 8.000 ha rừng trong năm 2021, Sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai kế hoạch trồng rừng đúng tiến độ. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời cho người dân tham gia trồng rừng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực, thế mạnh cùng tham gia trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành khảo sát xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên sản xuất cây giống trồng rừng chất lượng cao, rừng gỗ lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

“Đến nay, công tác chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới năm 2021 của các địa phương, chủ rừng, doanh nghiệp và người dân đã hoàn tất, chờ thời tiết thuận lợi sẽ xuống giống. Với nhiều giải pháp về nguồn vốn và sự tham gia của doanh nghiệp, thời gian tới, nghề trồng rừng sẽ tiếp tục phát triển mạnh, trở thành ngành thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế rừng”-ông Nghĩa thông tin.

 

 QUANG TẤN-NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.