Thu nhập cao từ vườn nhãn Hương Chi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu năm 2018, bà Lê Thị Viện (thôn Tân Sao, xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng nhãn Hương Chi. Bước đầu, loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Vừa cắt những chùm nhãn để kịp giao cho thương lái, bà Lê Thị Viện cho biết: Cách đây 3 năm, gần 2.000 trụ hồ tiêu của gia đình bà chết trụi. Để tìm loại cây trồng phù hợp, bà đã tham quan nhiều mô hình trồng cây ăn quả ở các tỉnh: Bến Tre, Lâm Đồng, Đak Lak… Nhận thấy nhãn Hương Chi phù hợp với chất đất địa phương, đầu năm 2018, bà quyết định mua 500 cây giống tại tỉnh Đak Lak về trồng.

“Đến nay, vườn nhãn đã cho thu bói, trung bình mỗi cây cho thu hoạch hơn 40 kg quả. Với giá bán tại vườn 30-35 ngàn đồng/kg, dự tính sau khi trừ chi phí, gia đình lãi gần 400 triệu đồng. Từ đầu vụ đến giờ, tôi đã bán được gần 5 tạ nhãn. Thương lái đến tận vườn đặt cọc nên gia đình khá yên tâm về đầu ra”-bà Viện cho hay.

  Bà Lê Thị Viện (thôn Tân Sao, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Phan Thương
Bà Lê Thị Viện (thôn Tân Sao, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Phan Thương


Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nhãn, bà Viện cho rằng, ngoài việc chọn giống có nguồn gốc đảm bảo, người trồng cần chú ý đến kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là sau khi nhãn trồng được 1 tháng. Đây là giai đoạn cây bắt đầu phát đọt. Lúc này, người trồng cần thường xuyên quan sát để diệt côn trùng ăn lá làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

“Sau 2 năm, nhãn sẽ ra hoa. Từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch là hơn 7 tháng. Khi nhãn bắt đầu cho thu hoạch, tôi cắt tỉa cành, chỉ để lại mỗi cây 40-50 kg quả. Bằng kỹ thuật chăm sóc, người trồng có thể điều chỉnh nhãn ra trái vụ để bán giá cao”-bà Viện cho biết thêm.

Để tạo ra nguồn trái cây an toàn, bà Viện chủ yếu sử dụng các sản phẩm sinh học. Vì vậy, sản phẩm được khách hàng tin dùng. “Được bạn bè giới thiệu nhãn Hương Chi của gia đình bà Viện trồng đảm bảo nên tôi thường mua về ăn. Nhãn ở đây vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt thanh”-bà Nguyễn Thị Thúy (thôn 2, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) cho hay.

Ngoài việc bán quả, bà Viện còn cung cấp cây giống cho người dân có nhu cầu. Hiện bà đã chiết 4.000 bầu nhãn với giá bán 40.000 đồng/bầu. Theo bà Viện, cây nhãn được chiết có bộ rễ khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, dễ chăm sóc.

Đánh giá về mô hình trồng nhãn Hương Chi của gia đình bà Viện, bà Trần Thị Tú Anh-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Yok-cho biết: Thời gian gần đây, loại hình du lịch canh nông khá được ưa chuộng. Vì vậy, vườn nhãn sai trĩu quả của gia đình bà Viện cũng là địa điểm thú vị để mọi người đến tham quan, trải nghiệm cũng như trực tiếp mua tại vườn.

“Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân cần tìm hiểu kỹ cách chăm sóc cũng như thị trường tiêu thụ trước khi đầu tư trồng nhãn; tránh tình trạng trồng ồ ạt, không có nơi tiêu thụ, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình”-bà Trần Thị Tú Anh khuyến cáo.
 

PHAN THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.