Đak Đoa nhân rộng mô hình sản xuất lúa một giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ mùa 2021, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất lúa một giống lên 900 ha tại 4 xã: Hnol, Glar, Hà Bầu, Ia Pết. Mô hình này giúp người dân loại bỏ các giống lúa đã bị thoái hóa, nâng cao năng suất, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao.

Những ngày này, trên cánh đồng Kđơ thuộc xã Glar, bà con nông dân đang gấp rút làm đất để chuẩn bị gieo sạ vụ mùa. Đang nhanh tay dọn đám cỏ bên bờ ruộng, ông Long (làng Groi 1) vui vẻ cho hay: “Gia đình tôi đã làm đất xong, chờ mưa xuống sẽ tiến hành gieo sạ. Vụ này, gia đình tôi được cấp 46 kg lúa giống ĐT100. Giống mới này năng suất có thể đạt gần 6 tạ/sào. Trước đây, tôi thường dùng giống địa phương nên năng suất chỉ đạt 4 tạ/sào”.

Cấp lúa giống cho nông dân xã Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: Vũ Thảo
Cấp lúa giống cho nông dân xã Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: Vũ Thảo


Tương tự, hộ ông Thơi (cùng làng) cũng được cấp 110 kg giống ĐT100 để gieo sạ. Ông Thơi cho biết: Những vụ trước đây, ông dùng giống địa phương, 1 sào thì gieo sạ khoảng 25 kg lúa giống. Do mật độ rất dày nên năng suất đạt thấp, tốn nhiều phân bón. Bây giờ, ông gieo sạ giống mới, lại được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, hy vọng giống lúa mới này sẽ cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Theo ông Võ Minh Đạt-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Glar, toàn xã có 1.047 hộ được cấp 42 tấn lúa giống ĐT100 để gieo sạ trên 300 ha. Đối với những cánh đồng đủ nước thì nông dân đã xuống giống xong, phần còn lại dự kiến trong vài ngày tới sẽ hoàn tất việc gieo sạ. “Trước khi nhận giống, bà con được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác”-ông Đạt cho biết thêm.

Theo kế hoạch, vụ mùa 2021, huyện Đak Đoa gieo trồng 4.445 ha lúa. Mô hình cánh đồng sản xuất lúa một giống, chất lượng cao như: JO2, HN6, ĐT100 trên diện tích 900 ha sẽ góp phần nâng cao năng suất và chất lượng gạo. Từ 3,5 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ người dân sản xuất lúa nước, huyện đã cấp 126 tấn lúa 3 loại giống trên để bà con sản xuất.

Các giống lúa này đã được trồng trên địa bàn tỉnh trong năm 2020, trong đó có huyện Đak Đoa và được đánh giá đạt năng suất cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Đây là những giống lúa ngắn ngày, có khả năng chống ngã đổ, sâu bệnh và chống hạn vượt trội so với giống địa phương; năng suất cao, chất lượng gạo ngon.

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Hiện nay, việc sử dụng lúa giống mới của nông dân còn hạn chế, chưa xác định được giống lúa chủ lực. Vì vậy, việc đầu tư nhân rộng cánh đồng lúa một giống nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Kim Anh, năng suất các loại giống mới có thể đạt 5,8 tấn/ha. Với giá bán vẫn giữ nguyên như hiện tại (khoảng 7.000 đồng/kg), người nông dân có thể thu về 40,6 triệu đồng/ha. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, nông dân còn lãi khoảng trên 25 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc xây dựng cánh đồng lúa một giống, chất lượng cao là tiền đề để kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo của huyện trong thời gian tới.

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.