Một nông dân tỉnh Bình Phước có "kho báu" cả trăm tỷ nhờ đào hố chôn thứ này xuống đất cách đây 15 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Vũ Văn Kiểm (SN 1964, ngụ thôn 1, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) - người được xem như “vua” loài cây sưa đỏ ở Bình Phước. Sau gần 15 năm kiên trì đào hố “trồng cây gây rừng”, trồng cây sưa đỏ, đến nay “rừng” đã trả ơn cho ông xứng đáng với trị giá lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng.

“Trồng cây sưa đỏ cũng như “trồng người”, phải kiên trì và nhẫn nại. Mình mà nóng vội, mong sớm có kết quả thì khó thành công lắm. Đặc biệt, cây để càng lâu thì chất lượng gỗ càng tốt, quý hiếm và giá trị kinh tế càng cao”, ông Vũ Văn Kiểm, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nói.
 

Ngoài trồng cây gỗ sưa đỏ, ông Kiểm còn trồng thêm cây đàn hương trắng - một loại cây gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao
Ngoài trồng cây gỗ sưa đỏ, ông Kiểm còn trồng thêm cây đàn hương trắng - một loại cây gỗ quý hiếm có giá trị kinh tế cao


Từ ngã tư xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng rẽ trái đi khoảng 4,5km, nhìn hai bên đường ai cũng ngợp mắt bởi vườn cây gỗ sưa đỏ ngút ngàn. Ngoài cây sưa đỏ, ông Kiểm còn trồng nhiều loại cây dược liệu quý trên diện tích 3 ha. Với ông Kiểm, trồng cây gỗ sưa không phải tạo nguồn thu hằng ngày mà lưu giữ cho muôn đời sau.

“Trồng cây gây rừng”-trồng cây gỗ sưa quý hiếm

Nếu không tìm hiểu kỹ chắc ít ai biết rằng ông Kiểm là nông dân chân chất, bởi thân hình cao to, quần áo bảnh bao, giọng nói khỏe khoắn, ánh mắt ngời lên niềm vui như đang “trúng số độc đắc”.

Bởi theo ông, sau 40 năm bám trụ nghề nông với đầy gian khó, vất vả, đến nay cần được “hưởng thụ tuổi già”.

Nhắc đến vườn cây sưa đỏ, trên gương mặt người nông dân một nắng hai sương rất đỗi tự hào và tràn đầy hy vọng. “Được trồng, chăm sóc và thấy cây sưa đỏ lớn lên hằng ngày là niềm hạnh phúc nhất của gia đình tôi” - ông Kiểm bộc bạch.

Gia đình ông Kiểm có căn nhà mái Thái xây dựng khang trang, bề thế nhất nhì khu dân cư nhưng đã lọt thỏm bởi vườn cây sưa đỏ bao quanh tứ phía.

Đám sưa đỏ từ 7-14 năm tuổi, thân cao hơn 20m cứ nối nhau dài tít tắp. Có những cây sưa đỏ thân to gần một người ôm. Đan xen với cây sưa đỏ là cây đàn hương trắng, trà hoa vàng và đinh lăng - giống cây ưa sống dưới tán cây to và là nguồn dược liệu quý giúp gia đình ông Kiểm có thu nhập khá.

Chỉ vào cây sưa đỏ 14 năm tuổi với đường kính thân cây khoảng 30cm, lõi khoảng 18cm, ông Kiểm không giấu được niềm vui: “Trước đây khi bắt tay tạo dựng, tôi chỉ mong ước sau này những cây sưa đỏ như thế này có giá khoảng 20 triệu đồng đã là hạnh phúc lắm rồi. Đến nay nhiều thương lái vô hỏi mua cây này với giá 500 triệu đồng nhưng tôi vẫn không đồng ý bán...".

"Và trong vườn có hàng trăm cây sưa đỏ giá trị tương đương như thế nhưng tôi vẫn để nguyên trạng, chưa nghĩ đến bán”.

Không chỉ thế, những hộ ở quanh nhà có cây sưa đỏ trồng cùng thời cần tiền bán được ông Kiểm mua lại tiếp tục chăm sóc.

Ông Kiểm xuất thân từ vùng quê nghèo tỉnh Nam Định. Sau giải phóng, gia đình ông đi làm kinh tế mới ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Đất rộng, màu mỡ, cộng với sự cần cù, năm 1985 gia đình ông trở thành “vua” của cây lúa nước với sản lượng trên 100 tấn/năm.

Cho thu nhập khá, tuy nhiên theo ông trồng cây ngắn ngày luôn gian truân, vất vả. Với ý chí, quyết tâm cao, khi cả nước bước vào thời kỳ hội nhập, đổi mới, gia đình ông lên vùng đất Bù Đăng mua hàng chục héc ta đất trồng điều, cao su, cà phê.

Theo ông, cây gì có giá trị thì nên trồng để tạo sự đột phá nhưng phải nghiên cứu kỹ nếu thành công khoảng 90% mới đầu tư. Khi vườn cao su, điều, cà phê cho thu nhập ổn định, ông khăn gói ra tận Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc mua hạt giống sưa đỏ về ươm trồng, chăm sóc và bán giống.

Từ 400 cây sưa đỏ ban đầu, nay gia đình ông đã có 1.400 cây gỗ sưa đỏ lớn, nhỏ trị giá cả trăm tỷ đồng.

Trồng cây sưa đỏ phải kiên trì mới gặt hái thành công

Khu vườn cây sưa đỏ gia đình ông Kiểm ngày ngày tỏa bóng mát, mỗi cây là một dấu tích mang đậm công sức của nhà nông này.

Yêu cây, yêu đất nên ông động viên vợ con trồng thật nhiều cây và với ông trồng cây gây rừng chưa bao giờ là muộn cả.

Cứ như vậy sau gần 15 năm đào hố trồng cây, trong đó có hàng ngàn cây sưa đỏ, giờ đây “rừng” cây đã trả ơn cho gia đình ông xứng đáng, “sờ” vào đâu cũng “hái” ra tiền triệu, tiền tỷ.

 

 Ngoài rừng cây gỗ sưa đỏ giá trị cả trăm tỷ đồng, ông Vũ Văn Kiểm, xã Phước Sơn (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) vui mừng với “chiến lợi phẩm” - củ đinh lăng trồng trong vườn.
Ngoài rừng cây gỗ sưa đỏ giá trị cả trăm tỷ đồng, ông Vũ Văn Kiểm, xã Phước Sơn (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) vui mừng với “chiến lợi phẩm” - củ đinh lăng trồng trong vườn.


Trong các loài cây, ông Kiểm mê nhất là cây sưa đỏ. Vì gỗ sưa đỏ vân đẹp, không nứt, không biến dạng, không bị mối mọt nên rất quý, giá trị kinh tế cao.

Gỗ sưa còn có mùi thơm tinh dầu, thơm lâu dù bị ngâm nước nhiều năm. Thời kỳ phong kiến, gỗ sưa người ta thường dùng để đóng đồ nội thất trong cung đình.

Ngày nay, gỗ sưa dùng để làm đồ mỹ nghệ hoặc tạc tượng trong các ngôi đình, chùa. Gỗ sưa đỏ thuộc hàng đầu bảng trong các loài gỗ quý, có độ bền chắc, vượt trội hơn cả lim, trắc, gụ, sến, sao nên rất được ưa chuộng.

Đặc biệt, thời gian gần đây nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam săn lùng tìm mua gỗ sưa, từ đó đẩy giá gỗ sưa lên cao ngất ngưởng không khác gì “vàng đen”.

Ngoài sưa đỏ, hiện khu vườn nhà ông Vũ Văn Kiểm còn có 300 cây đàn hương trắng, 300 cây trà hoa vàng (cùng 3 năm tuổi) và hàng ngàn gốc đinh lăng.

Vườn cây không chỉ là địa điểm tham quan, học tập của nhiều tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh mà từng là nơi tỉnh Bình Phước chọn tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào dịp đầu xuân mới.

Giá trị kinh tế của cây sưa đỏ là ở lõi của nó. Vì thế, lõi sưa đỏ càng dày, càng nhiều thì giá trị sử dụng càng cao.

Và để có lõi gỗ sưa bán thì ít nhất cây sưa cũng phải trên 10 năm tuổi. Vì thế, trồng cây gỗ sưa cũng như “trồng người”, phải kiên trì và nhẫn nại, nếu nóng vội sẽ khó thành công.

Để có nguồn thu đảm bảo cuộc sống gia đình, ông Kiểm thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tận dụng khoảng trống giữa hàng cây gỗ sưa ông trồng xen đinh lăng để thu lợi ích kép.

Hiện nay, gia đình ông trồng 14.000 cây đinh lăng từ 4-7 năm tuổi. So với nhiều loại cây khác, đinh lăng được gia đình ông Kiểm tận thu triệt để bán từ gốc đến ngọn. Đinh lăng 7 năm tuổi cho thu hoạch với củ nặng khoảng 5kg, giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/củ.

Củ đinh lăng được ví như sâm Việt Nam, có giá trị dinh dưỡng tốt, bồi bổ sức khỏe, vì thế dùng để ngâm rượu hoặc sao vàng, hạ thổ sắc uống. Thân đinh lăng dùng làm giống, lá làm thuốc, hoa nấu cao. Cao hoa đinh lăng phòng ngừa được bệnh ung thư nên giá rất cao, trên thị trường khoảng 1,7 triệu đồng/kg hoa tươi.

 

Ngoài vườn đinh lăng, gia đình ông Kiểm còn trồng hơn 10 ha cao su đang cho thu hoạch, mỗi năm thu lời từ 400-500 triệu đồng. Nguồn thu này đảm bảo cuộc sống sung túc, đầy đủ, là điều kiện tốt để ông thỏa sức đam mê “trồng cây gây rừng”, trở thành “vua” loài cây sưa hiện tại và cả trong tương lai ở tỉnh Bình Phước.

https://danviet.vn/mot-ong-nong-dan-tinh-binh-phuoc-co-kho-bau-ca-tram-ty-nho-dao-ho-chon-thu-nay-xuong-dat-cach-day-15-nam-20210216232151273.htm


Theo VŨ THUYÊN (Báo Bình Phước/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.