Gà thảo dược cho mâm cỗ ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày càng có nhiều người tìm đến trang trại của gia đình ông Đỗ Xuân Việt (làng Đak Jóh-Đak Mong, xã Đak Krong, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) mua gà nuôi bằng thảo dược. Đây là loại gà có chất lượng thịt thơm ngon, rất phù hợp với mâm cơm ngày Tết.
 

Năm 2014, vợ chồng ông Đỗ Xuân Việt từ thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) sang làng Đak Jóh-Đak Mong mua 1,8 ha đất trồng hồ tiêu. Nhưng rồi, vườn hồ tiêu 1.800 trụ bị bệnh, chết dần chỉ còn lại khoảng 1.400 trụ. Không để đất hoang, cuối năm 2018, ông mua 30 con gà về nuôi. Tuy nhiên, thịt gà không mùi vị, bở, nước luộc có màu đục…

Hai tháng sau, ông tiếp tục gầy nuôi lại đàn gà 10 con theo hướng hữu cơ với nguồn thức ăn chủ yếu là bắp, cám gạo và rau. Khi gà lớn, ông làm thịt và mời bạn bè thưởng thức. Mọi người đều cho rằng thịt gà lần này thơm ngon hơn so với lứa đầu tiên. Có người còn khuyên ông chuyển sang nuôi gà theo phương pháp hữu cơ và cho ăn thảo dược.

 Đàn gà thảo dược của gia đình ông Đỗ Xuân Việt chuẩn bị bán Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Đàn gà thảo dược của gia đình ông Đỗ Xuân Việt chuẩn bị bán Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Việt cho biết: “Năm 2019, tôi chủ yếu thử nghiệm nuôi gà thảo dược. Đến đầu năm 2020, khi kinh nghiệm đã vững, tôi bắt đầu phát triển đàn lên khoảng 1.000 con. Thức ăn chính là bột bắp, mì, bánh dầu phộng, bột đậu nành. Các loại thảo dược như vỏ cây quế, cam thảo, sả xắt nhỏ phơi khô, lá chanh, ổi, củ tỏi phối hợp với thức ăn phơi khô đóng thùng cho gà ăn vào ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư và thứ bảy. Ngoài ra, tôi mua trà thảo dược nấu cho gà uống hàng ngày. Đặc biệt, cây đinh lăng đóng vai trò quan trọng được trộn lẫn trong thức ăn hàng ngày nhằm tạo ra sự khác biệt về chất lượng so với gà nuôi thông thường. Nuôi khoảng 5 tháng, gà mái đạt trọng lượng 1,6-1,8 kg/con, còn gà trống 1,8-2,1 kg/con mới bán cho người tiêu dùng”.

Từ tháng 8-2020 đến nay, ông đã bán hơn 450 con gà cho khách hàng ở địa phương với giá 80 ngàn đồng/kg. Lượng gà nuôi của gia đình hiện không đủ để cung ứng cho khách hàng. Ông Nguyễn Cường Quốc (thôn 3, xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Đặc điểm nổi bật của loại gà này là thịt thơm ngon, dai, ngọt, ít mỡ. Đặc biệt, thịt gà khi chế biến có mùi vị như thuốc Bắc”.

Cây đinh lăng và các loại cây lá thảo dược phơi khô dùng làm thức ăn cho gà. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cây đinh lăng và các loại cây lá thảo dược phơi khô dùng làm thức ăn cho gà. Ảnh: Nguyễn Diệp


Để phát triển chăn nuôi gà bằng các loại thảo dược có thương hiệu và nhãn hiệu, ông Việt tham gia Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) với mục đích xây dựng thương hiệu gà thảo dược Đak Krong, từ đó quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong-cho hay: “Chất lượng thịt gà được nuôi bằng thảo dược rất thơm ngon. Vì vậy, HTX đã quyết định đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu gà thảo dược Đak Krong. Hiện nay, HTX đang mời các thành viên khác cùng tham gia mở rộng quy mô trang trại, xây dựng vùng dược liệu và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng”.

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, ông Việt đã chuẩn bị hơn 300 con gà vào dịp Tết. Ngoài ra, ông còn đầu tư máy móc, thiết bị làm thêm sản phẩm gà hút chân không để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.                                                                                                                                         

 

HỒNG NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.