Quảng Ngãi: Ốc bươu vàng xuất hiện bất ngờ, nông dân diệt không xuể, núp trong bạt đêm bò ra cắn phá ớt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tìm về cánh đồng cuối kênh ở thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi tận mắt nhìn thấy ốc bươu vàng bò trên ruộng lúa với mật độ dày đặc.



Ốc bươu vàng sinh sôi nảy nở quá nhanh, dày đặc trên đồng ruộng, cắn phá tan tành từ ruộng lúa đến ruộng ớt. Những ngày này, nhà nhà, người người ra đồng diệt ốc.

Diệt ốc bươu vàng không xuể

Chị Nguyễn Thị Mười cho biết, vụ này gia đình chị sạ 3 sào lúa thì bị ốc bươu vàng cắn phá cả 3 sào. Chị  Mười đã trộn thuốc diệt ốc vào giống rải xuống ruộng nhưng lúa được 7 ngày thì ốc bươu vàng đã cắn phá tan tành.

Cả tuần qua ngày nào chị cũng ra ruộng bắt ốc về cho gà, vịt ăn, tính ra cũng được 2 bao tải, nhưng giờ ốc nhiều bắt vẫn không xuể.

 

Ốc bươu vàng sinh sôi dày đặc trên ruộng lúa.
Ốc bươu vàng sinh sôi dày đặc trên ruộng lúa.


"Sáng ra ruộng là thấy một con ốc ngậm một cây lúa, cây lúa bị cắn gãy nổi lai láng trên ruộng. Không biết nó ở đâu mà sinh sôi nhanh không tưởng?” - chị Mười thở dài.

 Về các cánh đồng ở xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi càng sửng sốt khi ốc bươu vàng bu kín mương dẫn nước, ruộng lúa với mật độ chưa từng thấy. Nhiều thửa ruộng, nông dân phải sạ lại. Mùi thuốc diệt ốc nồng nặc trên đồng ruộng.

 Chị Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Vạn An 3 cho biết, trước khi sạ bà con đã ra đồng tìm diệt ốc, nhưng chúng vùi sâu dưới đất. Khoảng nửa tháng nay, chúng sinh sôi quá nhanh. Cả làng ra đồng phun thuốc diệt ốc.

 “Hôm nay bắt, hôm sau lại thấy chúng bò nhan nhản, bắt không xuể nên bà con đã phun tới 3 lần thuốc. Không chỉ cắn phá lúa, ốc bươu vàng còn bò lên ruộng thổ, núp trong bạt. Ban đêm chúng bò ra cắn phá đứt ngang gốc cây ớt”- chị Phượng nói.

 

Ruộng lúa bị ốc bươu vàng cắn phá tan tành.
Ruộng lúa bị ốc bươu vàng cắn phá tan tành.


Cũng như chị Phương, ông Bùi Thanh Tâm, ngụ ở thôn Vạn An 2 cũng khổ vì ốc bươu vàng cắn phá cả 13 sào lúa. Ngày nào ông cũng ra đồng phun thuốc diệt ốc từ sáng sớm. Ông nhẩm tính đã tốn đến 2 triệu đồng mua thuốc diệt ốc.
 
“Chưa thấy loài nào có sức sống mãnh liệt và ăn tạp như ốc bươu vàng. Tháng 7, tháng 8, cây cỏ ngoài đồng cháy khô mà nó vẫn sống khỏe. Cây khoai nước, cây chuối nó còn cắn được thì cây lúa, cây ớt nhằm nhò gì. Chúng bò đến đâu là thân cây lúa, cây ớt gãy đôi, xót lắm. Cứ cái đà này chúng thành “giặc” - ông Tâm ngao ngán.
 
Khuyến cáo sử dụng các biện pháp thủ công diệt ốc bươu vàng

Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai có tốc độ sinh sản rất nhanh và là đối tượng gây hại nguy hiểm trên đồng ruộng. Chúng có thể sống đến 6 tháng trong điều kiện khô hạn. Khi gặp nước, chỉ cần một đêm là chúng hoạt động trở lại bình thường.

 

Người dân phun thuốc diệt trừ nhiều lần vẫn không diệt hết.
Người dân phun thuốc diệt trừ nhiều lần vẫn không diệt hết.


Ốc cái từ 2 - 3 tháng tuổi bắt đầu sinh sản. Chúng đẻ trứng thành từng ổ, mỗi ổ khoảng 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Nếu điều kiện thích hợp, số lượng trứng có thể lên tới 500 - 600 trứng/ổ.

Ốc non nở, rơi xuống nước, nổi lập lờ trên mặt nước, 2 ngày sau thì vỏ cứng, lớn rất nhanh và trở thành kẻ phàm ăn.

Giai đoạn phá hoại mạnh nhất khi ốc đạt 10 - 40 mm. Ốc bươu vàng thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ ngay sau khi sạ cho đến khi cây lúa được 30 ngày tuổi, hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chập tối và ban đêm.

 Ông Lê Thanh Trà, nhân viên kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho biết, toàn huyện Tư Nghĩa hiện có khoảng 138 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh bị ốc bươu vàng cắn phá. Phân bố hầu hết ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

 

 Khuyến cáo người dân nên dùng biện pháp thủ công bắt tiêu diệt ốc bươu vàng.
Khuyến cáo người dân nên dùng biện pháp thủ công bắt tiêu diệt ốc bươu vàng.

 
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra, người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nếu mật độ trên 3 con/m2 dùng một trong các loại thuốc sau đây để phun trừ như: Pazol 700WP, Dioto 250 EC hoặc dùng các loại thuốc như: Map passion 10GR, Pazol 18GR, Bolis 6G để rải.
 
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Trà, không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt ốc vì như thế sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
 
Biện pháp khuyến cáo để diệt ốc là dùng các biện pháp thủ công như bắt ốc về làm thức ăn cho gà, vịt; tìm diệt ốc, trứng ốc không chỉ trong ruộng mà cả trên mương, bờ ruộng để tiêu diệt nguồn sinh sản.

Nông dân có thể dùng rau muống, xơ mít để dẫn dụ ốc bươu vàng. Bỏ rau muống, đặc biệt là miếng xơ mít xuống ruộng, mùi thơm của xơ mít sẽ dẫn dụ ốc từ nơi khác bò tới để được ăn chất ngọt để diệt chúng. Bà con cũng nên đóng các cọc tre quanh ruộng hay đầu nguồn nước dẫn vào ruộng, đặc tính của ốc bươu vàng là leo lên cây để đẻ mà diệt chúng.



https://danviet.vn/quang-ngai-oc-buou-vang-xuat-hien-bat-ngo-nong-dan-diet-khong-xue-nup-trong-bat-dem-bo-ra-can-pha-ot-20210113234139452.htm

Theo A KIỀU (Báo Quảng Ngãi/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.