Chư Sê: "Đàn dê thoát nghèo" giúp người dân vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình “đàn dê thoát nghèo” của Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã giúp hàng chục hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hội Nông dân huyện Chư Sê hiện có 13.974 hội viên. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện đã triển khai chương trình “đàn dê thoát nghèo” giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, mỗi năm, Hội Nông dân huyện trao tặng “đàn dê thoát nghèo” cho 3 xã với 9 hội viên. Mỗi hội viên được nhận 4 con dê sinh sản. Khi đàn dê phát triển từ 10 con trở lên, hộ được nhận phải hoàn trả lại số lượng dê ban đầu đã cấp để tiếp tục cấp cho các hội viên khó khăn khác.
Từ 3 “đàn dê thoát nghèo” được Hội Nông dân huyện trao tặng, đến nay, Hội Nông dân xã Ia Glai đã nhân rộng và trao tặng được 12 đàn. Nhiều hộ sau khi nhận dê đã có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ ông Nguyễn Tiến Mạnh (thôn Hương Phú), Phạm Văn Tăng (thôn Nông Trường), Rah Lan Tri (làng Pang), Nguyễn Văn Thanh (thôn Phú Nhơn)...
Ông Nguyễn Văn Thanh là một trong những hộ đầu tiên được hỗ trợ dê của xã Ia Glai. Ông cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 4 con dê để phát triển kinh tế. Sau hơn 1 năm, đàn dê sinh sản được hơn 10 con. Ngoài hoàn trả cho chương trình, tôi còn hỗ trợ 8 con dê cho 2 hộ khó khăn trong xã nuôi để phát triển kinh tế. Đồng thời, tôi đã bán được hơn 30 con dê thịt, dê giống cho thu nhập ổn định. Hiện tại, đàn dê của tôi còn 15 con”.
Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Phú Nhơn, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Lê Nam
Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Phú Nhơn, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: Lê Nam
Tương tự, gia đình ông Rah Lan Tri cũng được chương trình “đàn dê thoát nghèo” của huyện hỗ trợ. Ông Tri cho hay: “Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân nên gia đình tôi có đàn dê để nuôi và phát triển kinh tế. Sau khi hoàn trả dê cho chương trình và bán một ít để lấy tiền sửa chữa chuồng trại, tôi còn 13 con dê. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt và nhân đàn để phát triển kinh tế ổn định”.
Ông Nguyễn Văn Bi-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Glai-cho biết: Toàn xã hiện có 12 hội viên nghèo. Từ khi chương trình được triển khai đã giúp các hội viên khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Sau khi trao tặng, Hội luôn hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn dê. Trong 2 năm trở lại đây, giá dê bắt đầu tăng lên khoảng 140 ngàn đồng/kg hơi (tăng gần gấp 2 lần so với trước) đã giúp người dân có thêm nguồn thu nhập cao và ổn định.
Lễ trao giống và luôn chuyển đàn dê thoát nghèo tại xã Ia Glai
Lễ trao giống và luân chuyển đàn dê thoát nghèo tại xã Ia Glai, huyện Chư Sê. Ảnh: Lê Nam

5 năm qua, Hội Nông dân huyện Chư Sê đã trao tặng 45 “đàn dê thoát nghèo” với 180 con dê cho 45 hộ hội viên nghèo và tổ chức luân chuyển 12 “đàn dê thoát nghèo” với 48 con cho 12 hộ. Tổng kinh phí thực hiện trên 342 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các xã, thị trấn cũng đã trao tặng 46 con dê cho 14 hộ hội viên nghèo với tổng giá trị trên 84 triệu đồng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-cho biết: Dê là loại dễ nuôi, kháng bệnh tốt, có giá trị kinh tế cao, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây, phụ phẩm nông nghiệp, rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của bà con, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình này được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên trong toàn huyện và các Mạnh Thường Quân. Qua đó đã góp phần đa dạng hóa vật nuôi, giúp một số hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo động lực cho các hộ dân khác mạnh dạn tham gia đầu tư nuôi dê, tạo sức lan tỏa cho chương trình.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tiếp tục phát triển, luân chuyển, nhân rộng “đàn dê thoát nghèo” cho các hộ hội viên nghèo, nhất là hộ hội viên dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện”-ông Tỵ cho biết thêm.

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.