Tăng diện tích cây có múi, tăng nỗi lo dịch bệnh, nguy cơ "vỡ trận" cận kề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích cây cam, bưởi, quýt và chanh được bà con nông dân các tỉnh phía Bắc trồng tăng với cấp số nhân. Từ đồng bằng cho tới các tỉnh miền núi xa xôi như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu…, đâu đâu cũng thấy những vườn cam, bưởi. Nguy cơ “vỡ trận” cây có múi, dịch bệnh bủa vây đang cận kề.
Nguy cơ "vỡ trận" cây có múi
Vựa cam Cao Phong (Hòa Bình) từng được coi là thị trấn của những tỷ phú trồng cam. Cách đây 5 năm, giá cam Cao Phong có lúc đạt 30.000 - 40.000 đồng/kg. Thậm chí cam Valencia (giống cam chín muộn vào tháng 2-3), có lúc bán được 70.000-100.000 đồng/kg, hộ nông dân nào có 1-2ha cam đều thu được tiền tỷ.

Nhiều chủ vườn cam ở Cao Phong (Hoà Bình) đang gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm mỗi khi vào mùa chín rộ. Ảnh: Xuân Tuấn
Nhiều chủ vườn cam ở Cao Phong (Hoà Bình) đang gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm mỗi khi vào mùa chín rộ. Ảnh: Xuân Tuấn
Năm 2020, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp mới thêm 82 mã số cho các vùng trồng trái cây xuất khẩu, trong đó có 5 mã cho cây có múi, gồm: 3 mã cho vùng trồng chanh không hạt, 1 mã cho vùng trồng bưởi Năm Roi xuất khẩu đi châu Âu và mới cấp 1 mã cho vùng trồng bưởi Diễn.
Từ chỗ cây cam chủ yếu được trồng quanh thị trấn Cao Phong, chỉ vài năm cây cam đã leo đến các xã vùng cao như Tây Phong, Bắc Phong, Yên Lập…, nhân rộng sang các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn. 
Toàn tỉnh Hoà Bình ban đầu chỉ có khoảng vài trăm ha cam, nay đã lên đến cả vạn ha. Diện tích tăng, sản lượng cũng tăng theo, khiến việc tiêu thụ cam gặp muôn vàn khó khăn.
So với các tỷ phú cam, anh Nguyễn Văn Trường (ở xã Thu Phong, huyện Cao Phong) thuộc diện đi sau. Anh cũng trồng được 1ha cam, với hy vọng sau 5 năm có ngày được đếm tiền tỷ. Tuy nhiên, giấc mơ đó của anh đến nay (sau 9 năm trồng) vẫn chỉ là mơ ước.
Mấy trăm cây cam anh trồng đến ngày thu hái cứ vàng lá rồi lụi dần, sản lượng quả thu được không đủ tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. "Ban đầu tôi cũng mua nhiều loại thuốc để chữa, nhưng càng chữa cây càng bị nặng hơn. Tôi bất lực nhìn vườn cam chết dần. Thế là bao công sức đổ ra, chẳng thu lại được gì" - anh Trường chia sẻ.

Sản phẩm cây có múi của Hòa Bình trong mấy năm nay được đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: X.T
Sản phẩm cây có múi của Hòa Bình trong mấy năm nay được đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: X.T
Tổng diện tích cây có múi của các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 121.000ha (chiếm 47,5% diện tích của cả nước). Trong 10 năm từ 2009 - 2019, tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân 10%/năm về diện tích (tương đương 7,3 nghìn ha/năm), trên 12% về sản lượng (69,4 nghìn tấn).
Không riêng gì anh Trường, cả nghìn hộ trồng cam ở tỉnh Hòa Bình cũng đang đứng ngồi không yên vì vườn cam bị bệnh. Đi qua các xã Thu Phong, Bắc Phong và Tây Phong, Xuân Phong, đâu đâu cũng gặp những vườn cam bị bệnh. 
Anh Bùi Văn Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Phong, huyện Cao Phong chia sẻ, mấy năm gần đây bà con đã bỏ mía, bỏ sả để trồng cam. Một hai vụ đầu, cây cam còn cho thu hoạch, nhưng đến năm thứ 6-7, cây cam có hiện tượng vàng lá thối rễ rất nhiều.
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, đến nay toàn tỉnh có 11.500ha cây có múi (cam, quýt, bưởi), với sản lượng khoảng 160.000 tấn. Việc tiêu thụ sản lượng khổng lồ này đều do tư thương hoặc các chủ vườn tự bán. Gần như chưa có đơn vị nào ký kết được hợp đồng lớn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm. Do cam, bưởi, quýt thu cùng thời vụ tháng 10 đến tháng 12, nên sản lượng bị dồn ứ khiến giá sau mỗi năm lại thấp hơn. 
Không riêng gì vựa cam Cao Phong, nhiều địa phương khác ở miền Bắc cũng đang gặp khó khi "phong trào" trồng cây có múi lên cao. 
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, đến nay tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa tập trung như cam Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Giang, bưởi Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, quýt Bắc Kạn và Lạng Sơn. Cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi đang gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, dịch bệnh.
Ngoài ra, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học đang gây nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch hại và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. 
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, đến nay diện tích cam bị vàng lá thối rễ lên tới khoảng 1.416ha, nhiễm nặng 53ha, tập trụng tại các tỉnh trọng điểm như Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An…
Siết chặt quy hoạch
Trước việc bà con nông dân ồ ạt trồng cây có múi, Bộ NNPTNT đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo bà con không làm theo phong trào. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ cũng đã quyết liệt vào cuộc nhằm giúp bà con tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ, dịch bệnh. 
Vấn đề này tiếp tục được bàn tới tại hội nghị thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả có múi tại các tỉnh phía Bắc, do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 10/11 vừa qua.
Được biết, Bộ NNPTNT cũng đã giao Cục Bảo vệ thực vật xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về việc thiết lập và giám sát vùng trồng phục vụ xuất khẩu, dự kiến sẽ trình Bộ ban hành trong năm 2020. 
Ngoài ra, Cục cũng kiến nghị, nên có quy định cụ thể về yêu cầu với vùng trồng được cấp mã số vùng trồng của cả nước bằng các giải pháp cụ thể như: Nhận diện được vùng trồng (sử dụng GPS); áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, trong đó chú trọng công tác ghi chép nhật ký canh tác; theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng.
Để việc tiêu thụ sản phẩm cây có múi được thuận lợi, các cơ quan chuyên môn của Bộ NNPTNT cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể như cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. 
Theo đó, chỉ có nông sản (rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. Nếu không được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thì nông sản không đủ điều kiện xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Kết luận hội nghị, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo và yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt quy mô sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích không theo quy hoạch. Các địa phương tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cây có múi, điều chỉnh cơ cấu cây có múi, quản lý chặt chất lượng cây giống. Áp dụng kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 
Theo Xuân Tuấn (Dân Việt)

https://danviet.vn/tang-dien-tich-cay-co-mui-tang-noi-lo-dich-benh-nguy-co-vo-tran-can-ke-20201111172932477.htm

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.