Nông dân trắng tay sau bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bão số 9 tràn qua, hàng ngàn héc ta rừng, rau màu, cây ăn quả ở các tỉnh bị hư hại, nông dân bỗng chốc trắng tay.

Mía sắp thu hoạch của người dân Gia Lai bị ngã đổ do bão số 9 TRẦN HIẾU
Mía sắp thu hoạch của người dân Gia Lai bị ngã đổ do bão số 9 TRẦN HIẾU
“Giờ đây tan hoang hết”
Ngày 4.11, chúng tôi về xã Hành Tín Đông, H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), địa phương “trên bão dưới lũ” giờ vẫn in hằn vệt nước. Đi vào các xóm thôn xanh mướt bóng cây trước đây, giờ nhìn đâu cũng thấy thưa vắng cây cối, còn bùn non đóng lớp thì khắp nơi. Ông Nguyễn Ngọc Hậu (62 tuổi, ngụ thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông) cho biết gia đình ông có hơn 30 cây cau hơn 15 năm tuổi, đang thu hoạch. Bão số 9 đã bẻ gãy, làm tróc gốc tất cả. “Mỗi năm, từ cây cau, tôi hái trái bán hơn được 40 triệu đồng. Với nông dân chúng tôi, số tiền ấy lớn lắm”, ông Hậu thở dài.
Ngoài cây cau, ông Hậu còn bị bão lũ làm tan hoang 4 sào chuối ngự (500 m2/sào). “Mỗi buồng chuối cho từ 5 - 7 nải, mỗi nải ít nhất thu được 20.000 đồng. Có ngày bán 5 buồng chuối kiếm hơn 500.000 đồng. Kinh tế gia đình trông mong vào chuối. Vậy mà giờ đây tan hoang hết”, ông Hậu nói rồi ngậm ngùi cho biết: “Hiện nay chuối ngự ở xã này đã hư hết, phải 6 tháng sau mới có chuối bán lại”.
Ông Trần Bê, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết toàn xã có 25 ha chuối ngự, đã đăng ký sản phẩm đặc trưng của xã. Bão số 6 vào lấy đi hơn một nửa diện tích chuối, đến bão số 9 thì phá tan tất cả. “Bão xong thì 1 giờ sau lũ lên ngập từ đầu đến cuối xã, hỏi cây gì cho còn”, ông Bê ngậm ngùi.
Qua vùng chuyên canh rau màu ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi chẳng thấy rau đâu, chỉ thấy bùn đất và đây đó người dân đang đi dọn ruộng, dọn vườn rau để “tái thiết”. Theo ông Lê Hữu Minh, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, đây là vùng trồng rau lớn của tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 300 hộ trồng, chuyên cung ứng rau cho các chợ ở TP.Quảng Ngãi và chợ đầu mối ngoài tỉnh. Bão số 9 quét qua, 40 ha rau xanh như xà lách, cải thìa... tan thành bình địa.

Rừng keo ở Quảng Ngãi bị bão số 9 quật ngã  ẢNH: PHẠM ANH
Rừng keo ở Quảng Ngãi bị bão số 9 quật ngã ẢNH: PHẠM ANH
Còn ở cánh rừng trồng Trũng Đèo, dưới chân đèo Eo Gió, thuộc xã Hành Đức (H.Nghĩa Hành), cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là rừng keo gãy đổ la liệt. Nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt từng chủ rừng. Sau một trận cuồng phong, họ nuốt nước mắt chặt keo về làm củi. Ông Lê Văn Nhu, Phó phòng NN-PTNT H.Nghĩa Hành, cho biết huyện có 4.500 ha cây keo bị ảnh hưởng vì bão, trong đó phần lớn thiệt hại từ 50 - 70%, một số bị thiệt hại 100%.
Không chỉ vùng rừng trồng ở H.Nghĩa Hành, mà rừng trồng ở H.Bình Sơn cũng cùng chung số phận. Anh Hoàng Đại (ở TT.Châu Ổ, H.Bình Sơn) cho biết anh trồng 6 ha keo ở xã Bình An (H.Bình Sơn), dự kiến sang năm 2021 sẽ thu hoạch. Bão số 9 quét qua, 70% rừng keo của gia đình anh bị gãy đổ. “Thiệt hại không dưới 500 triệu đồng”, anh Đại cho biết.
Một cán bộ xã Bình Khương, H.Bình Sơn thì thở dài bởi rừng keo hơn 7 năm tuổi của gia đình anh bị gãy cúp ngang. Làm cán bộ xã thu nhập thấp, nên gia đình anh tích góp tiền, vay ngân hàng trồng keo. Dự định sang 2021 bán rừng keo lo việc gia đình nhưng người tính không bằng trời tính, rừng keo bị bão đánh ngã, thiệt hại cả tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hân, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cả tỉnh có 220.000 ha rừng trồng, phần lớn là cây keo. Bão số 9 đã gây hư hỏng 105.000 ha, trong đó 45.000 ha rừng do dân trồng, 60.000 ha rừng nhà nước trồng, bên cạnh đó hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ cũng bị hư hỏng. Theo ông Hân, con số này là thiệt hại quá lớn, có thể cao hơn so với thống kê. Trung bình mỗi héc ta rừng trồng hiện nay bán ra khoảng 60 triệu đồng (đã trừ chi phí). “Tính ra cũng biết nông dân thiệt hại ra sao và việc phục hồi rừng trồng sau bão số 9 phải mất rất nhiều năm”, ông Hân cho biết.

Đu đủ ở vựa rau xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi ngã gục sau bão  ẢNH: PHẠM ANH
Đu đủ ở vựa rau xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi ngã gục sau bão ẢNH: PHẠM ANH
Hàng ngàn héc ta mía ngã đổ, mất giá
Tại Gia Lai, hàng ngàn hộ nông dân trồng mía ở đây đang khốn đốn vì mía sắp thu hoạch bị bão số 9 làm gãy đổ. Huyện Kbang, nơi có tổng diện tích hơn 9.000 ha mía sắp thu hoạch nhưng có hơn 2.800 ha mía bị ngã đổ, khiến chữ đường bị giảm dẫn đến giảm giá khi bán ra. Hơn 900 ha mía của nông dân H.Đăk Pơ, 1.000 ha mía ở H.Ia Pa sắp thu hoạch cũng chịu chung thảm cảnh.
Chị Trần Thị Hoàng, một nông dân xã Đăk Hlơ, H.Kbang, than thở: “Gia đình tôi trồng 8 ha mía. Bão làm cho hơn 50% diện tích mía bị ngã rạp, lại mưa to khiến mía ngâm nước lâu sẽ mọc rễ trên thân, mọc mầm dẫn đến chữ đường thấp, kéo theo giảm giá bán”.
Tình trạng này cũng khiến Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) có công suất 18.000 tấn mía cây/ngày (một trong những nhà máy đường lớn nhất VN hiện nay) với vùng nguyên liệu trên dưới 25.000 ha cũng đối mặt với chồng chất khó khăn. Bởi niên vụ trước, mía bị hạn hán nên nhà máy thu mua không đủ nguyên liệu, tiếp đến năm nay mía bị ngã đổ do mưa bão.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường An Khê, nói: “Sau bão số 9, cây mía bị ngã đổ làm mất sức sinh trưởng và mất lượng đường tích lũy có trong cây. Khi mía bị ngã, tiền công thu hoạch sẽ đội giá, vì máy móc và nhân công thu hoạch mía ngã tốn kém hơn. Giao thông nội đồng cũng bị hư hỏng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ”.
Theo Sở NN-PTNT Gia Lai, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng về cây trồng trên địa bàn tỉnh với tổng cộng hơn 4.000 ha lúa bị ngập, gãy đổ; hơn 1.700 ha rau màu bị hư hại; hơn 5.200 mía và gần 1.500 ha mì bị gãy đổ. Ngoài ra, có hơn 700 ha cây công nghiệp và hơn 194 ha cây ăn quả bị hư hại.
Nghiêm cấm doanh nghiệp liên kết ép giá nông dân
Trước thiệt hại nặng nề do bão số 9 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra ngay thông tin việc các doanh nghiệp liên kết ép hạ giá gỗ keo của người dân. Theo đó, nếu doanh nghiệp nào cố tình lợi dụng keo ngã đổ để ép dân hạ giá keo nguyên liệu là không chấp nhận, phải xử lý nghiêm. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng giao Sở Công thương tỉnh này tổ chức kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm hành vi lập trạm cân thu mua gỗ keo tự phát, ép giá thu mua gỗ keo.
Theo Phạm Anh-Trần Hiếu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.