Triển vọng từ giống lúa cạn LC93-1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vụ mùa năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) phối hợp với UBND xã Chư A Thai triển khai mô hình lúa cạn LC93-1 tại làng Kinh Pêng. Qua khảo sát, mô hình đã đem lại thành công bước đầu, mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa rẫy tại địa phương.
Trước đây, người dân 4 làng căn cứ cách mạng thuộc xã Chư A Thai (làng Pông, Kinh Pêng, Trớ, Hek) quen với sản xuất lúa rẫy truyền thống. Tuy nhiên, giống lúa này có nhược điểm là thời gian sinh trưởng tới 6 tháng, năng suất bình quân khoảng 2-2,5 tấn/ha. Vì vậy, thu nhập thấp, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Việc đưa mô hình lúa cạn LC93-1 với năng suất tăng gấp đôi vào sản xuất để thay thế lúa rẫy truyền thống được bà con hưởng ứng nhiệt tình.
Theo ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, mô hình thu hút 21 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Kinh Pêng tham gia trên diện tích 20 ha; tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 120 triệu đồng, người dân góp 80 triệu đồng. Bà con được cấp 100% giống và 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức tập huấn, cử cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn bà con từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích.
“Qua theo dõi cho thấy, giống lúa cạn LC93-1 sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh trung bình, chiều cao cây 120-130 cm, khoảng 170 hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc trên 80%. Ưu điểm nổi bật của giống lúa cạn so với giống lúa truyền thống là thời gian sinh trưởng ngắn (3,5-4 tháng), năng suất ước đạt 4,5-5,5 tấn/ha, chịu hạn tốt, thích hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương”-ông Quý khẳng định.
Anh Đinh Nhin (bìa phải) cùng cán bộ thôn Kinh Pêng thăm cánh đồng lúa cạn chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Nguyên Hương
Anh Đinh Nhin (bìa phải) cùng cán bộ thôn Kinh Pêng thăm cánh đồng lúa cạn chuẩn bị thu hoạch. Ảnh: Nguyên Hương
Theo chân cán bộ thôn, chúng tôi xuống thăm mô hình lúa cạn của bà con làng Kinh Pêng. Nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá là 9 sào lúa cạn của gia đình anh Đinh Nhin. Những bông lúa chắc mẩy đang vào độ chín ngả màu vàng óng.
Anh Nhin vui vẻ cho biết: Gia đình anh có 1,6 ha tham gia mô hình lúa cạn. Trong đó, 7 sào gieo sạ sớm đã cho thu hoạch được 60 bao. Với giá bán 5.600 đồng/kg lúa tươi, sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi 14 triệu đồng. Cũng diện tích này, trước đây, anh trồng lúa rẫy chỉ được hơn 20 bao, lãi chưa đến 5 triệu đồng.
“Tuần tới, mình sẽ thu hoạch 9 sào lúa này. Bông lúa chín đều, chắc mẩy thế này, mình tin năng suất sẽ cao hơn. Mình đã xát một bao ăn thử rồi, hạt cơm mềm, dẻo, ngon lắm”-anh Nhin cười nói.
Vừa mở tấm bạt che đống lúa sau trận mưa đột ngột lúc trưa, anh Đinh Briu cũng phấn khởi bày tỏ: “2 ngày trước, mình mới thu hoạch 3 sào lúa cạn được 23 bao. Hạt lúa dài, chắc, mình tính để lại ít giống để gieo sạ vụ mùa năm sau. Năm ngoái, trồng lúa rẫy phải 2 tháng nữa mới được thu. Còn năm nay, tham gia mô hình, thu hoạch lúa sớm, bà con mừng lắm, nhiều nhà bán lúa có tiền trang trải cuộc sống”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện mô hình là trình độ sản xuất của một số hộ dân còn hạn chế, không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Thêm vào đó, diện tích lúa rải rác, xuống giống không đều cũng làm ảnh hưởng đến năng suất. Đây là những hạn chế cần khắc phục trong những vụ sau để đảm bảo hiệu quả mô hình.
Do không có người làm đất, chị Đinh H’Van sạ muộn hơn, 8 sào lúa cạn tham gia mô hình phải 20 ngày nữa mới thu hoạch. “Thấy bà con thu hoạch rồi mình cũng nóng ruột lắm. Vụ sau, mình sẽ rút kinh nghiệm xuống giống cùng lúc với bà con để hạn chế sâu bệnh và ảnh hưởng của thời tiết”-chị Van nói.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện khẳng định: Mô hình lúa cạn LC93-1 bước đầu đã cho thấy tính khả thi cao. Giống lúa này có khả năng phục hồi nhanh sau nắng hạn, có khả năng thích ứng với nhiều loại đất và các tiểu vùng khí hậu khác nhau, thích hợp để thay thế lúa rẫy truyền thống. Vụ mùa tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở 4 làng căn cứ cách mạng xã Chư A Thai, hứa hẹn giúp bà con có những vụ mùa no ấm.
NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.