Phụ nữ Chư Păh giúp nhau phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Hàng năm, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch theo dõi, giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo bằng nhiều hình thức như: tín chấp vay vốn, giúp đỡ ngày công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như cách chi tiêu hợp lý trong gia đình. Tính đến nay, các cơ sở Hội đã tín chấp cho 2.994 hội viên, phụ nữ nghèo vay hơn 91 tỷ đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển sản xuất.

Qua khảo sát, nhiều chị em sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân hàng. Các cấp Hội cũng đã thành lập 25 mô hình “3 trong 1” để giúp đỡ hội viên, phụ nữ khó khăn. Kết quả, trong 5 năm qua, toàn huyện có 76 hội viên vươn lên thoát nghèo.

  Bà Nguyễn Thị Thơm (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Hà Phương
Bà Nguyễn Thị Thơm (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: Hà Phương


Bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế thông qua nhiều hình thức như: vận động hội viên tiết kiệm hàng tháng để hỗ trợ cho chị em có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Hội LHPN xã Ia Nhin là đơn vị thực hiện hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn được phát động và tổ chức thường xuyên như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, Mô hình “3 trong 1”...

“Các phong trào, hoạt động của tổ chức Hội mang lại kết quả thiết thực. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đã giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng”-bà Lê Thị Thư-Chủ tịch Hội LHPN xã-thông tin.

Trước đây, do thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của 6 thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Thơm (thôn 1) phụ thuộc vào việc buôn bán lặt vặt ở chợ. Nhờ được Hội LHPN xã tạo điều kiện, bà vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và vay mượn thêm của người thân để mua hơn 2 sào đất trồng hồ tiêu và đầu tư chăn nuôi.

Nhờ cần cù chịu khó, lấy ngắn nuôi dài, biết tiết kiệm, tích lũy nên chỉ sau một thời gian ngắn, bà đã mua thêm đất trồng sầu riêng, bơ, vú sữa, bưởi da xanh. Đến nay, gia đình bà đã thoát nghèo và có tích lũy. “Hơn 3 năm nay, tôi ở nhà làm vườn và chăn nuôi. Vườn cây ăn quả đang phát triển rất tốt. Trừ các khoản chi phí, hàng năm, gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng”-bà Thơm bộc bạch.

Tương tự, gia đình chị Siu Thỏi (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông) cũng thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của Hội LHPN xã. Mặc dù có đất sản xuất nhưng do cách thức canh tác lạc hậu nên cuộc sống gia đình chị Thỏi luôn thiếu trước hụt sau. Nhờ sự tận tình hướng dẫn của Hội LHPN xã và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chị dần cải thiện tình hình. Có điều kiện vươn lên, chị đầu tư trồng 2 ha cà phê xen cây ăn quả, 1 ha bời lời, 7 sào lúa nước và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng.

“Để có được kết quả này, tôi phải siêng làm việc và cố gắng tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật sản xuất, ghi chép cẩn thận; lại tranh thủ chị em hội viên hướng dẫn giúp đỡ thêm kinh nghiệm. Tôi nghĩ siêng năng, chịu khó thì việc gì cũng thành. Hiện tại, kinh tế gia đình đã ổn định, con cái được chăm sóc, học hành đầy đủ hơn”-chị Siu Thỏi thổ lộ.

 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.