Nông dân thị trấn Chư Ty thu nhập khá nhờ trồng cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều hộ dân ở thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã chuyển đổi diện tích cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập khá.

Tháng 6-2013, sau khi học tập kinh nghiệm từ người khác, ông Trần Văn Bấm (tổ 2) đã trồng 30 cây sầu riêng Thái và 20 cây bơ booth trên 3 sào đất. Nhờ trồng xen hợp lý và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của ông Bấm phát triển rất tốt và đạt năng suất cao. Năm 2019, ông thu được 4 tấn sầu riêng. Với giá bán 65.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi 200 triệu đồng. Cùng với đó, 20 cây bơ booth cho thu nhập thêm 20 triệu đồng.

Ông Bấm cho hay: “Thấy vườn cà phê bắt đầu già cỗi nên tôi trồng xen sầu riêng và bơ. Đến khi 2 loại cây này cho thu bói, tôi bắt đầu phá bỏ hết cà phê. Cách làm này đã giúp gia đình có thu nhập ổn định”.

  Ông Nguyễn Văn Hà (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: R'Ô Hok
Ông Nguyễn Văn Hà (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Ảnh: R'Ô Hok


Ông Bấm chia sẻ thêm, để cây sầu riêng phát triển tốt, điều quan trọng là phải thường xuyên theo dõi sâu bệnh, nhất là sâu đục thân, sâu cuốn lá, nhện đỏ, rầy xanh... để có phương án phòng trừ. Ngoài ra, việc đảm bảo nước tưới cũng cực kỳ quan trọng. Để tiết kiệm chi phí và công sức, ông Bấm lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, vườn cây ăn quả của ông luôn đạt năng suất ổn định.

“Vừa rồi, có vài cây sầu riêng đạt năng suất hơn 3 tạ/cây. Tôi thấy trồng sầu riêng chi phí đầu tư và công chăm sóc không nhiều nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê”-ông Bấm bày tỏ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hà (tổ 4) cho biết: Năm 2017, vườn hồ tiêu của gia đình bị chết hàng loạt. Một lần tình cờ thấy trên ti vi giới thiệu về giống chanh tứ quý đạt hiệu quả cao nên ông mua 350 cây giống từ các tỉnh miền Tây về trồng trên diện tích 7 sào. Sau 1 năm, vườn chanh phát triển tốt và bắt đầu cho thu bói.

Nhờ đặc tính cây ra quả quanh năm, bình quân mỗi ngày, gia đình ông Hà thu hái từ 70 kg đến 1 tạ chanh. Với giá bán ổn định khoảng 15.000 đồng/kg, ông thu về 1-1,5 triệu đồng/ngày. Riêng năm 2019, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông lãi 300 triệu đồng.

Theo ông Hà, chanh là loại cây có thể trồng trên nhiều loại đất. Các loại sâu bệnh thường gặp là nấm, ghẻ quả, sâu cuốn lá. Nếu sâu bệnh bùng phát thì trong khoảng 10-15 ngày phải phun thuốc diệt trừ một lần. Đặc biệt, cần sử dụng thuốc sinh học để bảo vệ môi trường, tránh bị thoái hóa đất, giữ cho vườn cây phát triển bền vững. Ngoài ra, nhằm giữ ẩm cho cây vào mùa khô, ông thường xuyên tưới nước và bón phân chuồng ủ hoai.

Để tăng thu nhập, ông Hà còn trồng thêm 200 cây ổi Đài Loan, trong đó có 100 cây trồng xen với chanh tứ quý. Ông Hà nhẩm tính, vài tháng nữa, giống ổi này sẽ cho thu bói. Nếu giá ổn định ở mức 12.000-15.000 đồng/kg thì sẽ có thêm nguồn thu gần 100 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Hào-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Ty-cho biết: “Trên địa bàn hiện có 48 hộ trồng cây ăn quả trên diện tích khoảng 80 ha, chủ yếu là sầu riêng, bơ, mít, bưởi da xanh... Phần lớn hộ dân chuyển đổi từ diện tích cây hồ tiêu, cà phê bị chết, già cỗi sang trồng cây ăn quả và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, các hộ thường xuyên hỗ trợ nhau về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả để nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ”.

R'Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.