Krông Pa đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phát triển ổn định và bền vững.
Năm 2020, tổng diện tích cây trồng của huyện Krông Pa là 47.000 ha, tăng 3.500 ha so với năm 2016. Để tăng năng suất các loại cây trồng, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để đảm bảo sức khỏe và môi trường; kỹ thuật trồng cỏ kết hợp chăn nuôi... Qua đó, năng suất lúa đạt 46,5 tạ/ha (tăng 3,3 tạ/ha so với năm 2016), mì đạt 220 tạ/ha (tăng 22,5 tạ/ha so với năm 2016).
Ông Nguyễn Văn Thiệm (thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) cho hay: “Gia đình tôi có hơn 5 ha điều. Trong mấy năm gần đây, nhờ được hỗ trợ giống điều ghép nên tôi đã tái canh được 3,5 ha. Giống điều ghép cho năng suất hơn 1 tấn/ha, cao hơn nhiều so với cây trồng thực sinh trước đây”. 
Để phát triển nông nghiệp bền vững, huyện đã lồng ghép triển khai các mô hình, dự án đưa các loại cây-con giống có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất. Ông Âu Thành Trung-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai 35 mô hình, dự án với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng.
Cụ thể, hỗ trợ giống mì KM419, KM 140 với diện tích 355 ha; chuyển giao cây điều ghép giống PN1, AB29 và AB05-08 với diện tích gần 500 ha; chuyển đổi giống lúa mới LH12, Đài Thơm 8, Hồng Ngọc Óc Eo tại một số cánh đồng với diện tích 212 ha; hỗ trợ cây ăn quả cho các làng xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sản xuất thử nghiệm 7 ha giống lạc L14; tưới tiết kiệm nước cho cây điều với diện tích 10 ha; chăn nuôi bò lai, chăn nuôi nông hộ...
Ngoài ra, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên đã triển khai 129 mô hình như: nuôi heo đen địa phương, heo rừng lai, dê sinh sản, bò sinh sản, dúi sinh sản, cá trê, cá lóc, gà, trồng rau... 
Người dân huyện Krông Pa thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Krông Pa thu hoạch lúa. Ảnh: Lê Nam
Bên cạnh đó, huyện luôn xác định chăn nuôi là ngành quan trọng, cần tập trung đầu tư phát triển. Đến nay, tổng đàn gia súc khoảng 95.500 con. Từ các nguồn vốn, huyện đã hỗ trợ 1.252 con bò sinh sản cho người dân. Cùng với đó, huyện triển khai mô hình hộ phát triển chăn nuôi bò lai; mô hình trồng cỏ VA06 kết hợp với tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê, bò.
Đồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai đề tài “Nâng cao chất lượng đàn bò thịt huyện Krông Pa” với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Đến nay, đề tài đã triển khai phối giống nhân tạo cho gần 3.000 con bò có chửa bằng các giống bò chuyên thịt như: Red Angus, Brahman, Charolaise, Limousine, BB; xây dựng 10 mô hình chế biến thức ăn cho bò lai...
Gia đình anh Nguyễn Thanh Vân (tổ 3, thị trấn Phú Túc) nuôi hơn 20 con bò lai. Để đảm bảo thức ăn cho bò, anh trồng thêm 0,5 ha cỏ VA06. “Bò lai có tầm vóc cao to, tỷ lệ thịt đạt trên 60% và được thị trường ưa chuộng. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi phát triển được 7-8 con bê lai. Giá bê lai hiện dao động trong khoảng 12-15 triệu đồng/con, cao hơn bê địa phương 3-4 triệu đồng/con. Vì vậy, việc nuôi bò lai có thu nhập cao hơn bò địa phương”-anh Vân chia sẻ.    
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-thông tin: Những năm qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình, dự án nông nghiệp nhằm từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chăn nuôi phát triển mạnh, dịch bệnh được khống chế kịp thời. Công tác đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã phục vụ tốt hơn sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, nông dân đã nhận thức rõ hơn về mục tiêu của chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp để chủ động thực hiện. Với phương châm “Hợp tác, liên kết và thị trường”, huyện đã hình thành nhiều mô hình hợp tác để tích tụ diện tích đất sản xuất; các hợp tác xã chủ động liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm giúp nông dân nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích. 
“Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), ngành Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục triển khai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị chuỗi nông sản. Kết nối với các nhà đầu tư để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung chuyên canh. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm thế mạnh của địa phương như: mì, mía, thuốc lá, điều, thịt bò một nắng. Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân”-ông Duyên nhấn mạnh.
GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.