Khởi sắc Biă Tih

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân làng Biă Tih (xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khởi sắc. 
Làng Biă Tih có 250 hộ với 1.200 khẩu, 100% là người Bahnar. Hiện làng đạt được 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, làng có đến 100 hộ nghèo nhưng hiện tại chỉ còn 30 hộ. Để có được kết quả này, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, tập trung đầu tư, giới thiệu và triển khai mô hình trồng rau giúp các hộ dân có thu nhập ổn định.
Để thay đổi phương thức canh tác và nếp nghĩ, cách làm, trước khi triển khai mô hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động và lựa chọn các hội viên, trưởng thôn tham quan mô hình trồng rau ở xã An Phú và xã Chư Á (TP. Pleiku) nhằm học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác để về truyền đạt lại cho bà con trong làng. Ban đầu, Hội Nông dân xã thử nghiệm mô hình trồng rau màu trên diện tích 5 ha, trong đó, làng Biă Tih chiếm đến 3 ha. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tận dụng tối đa lợi thế điều kiện đất đai nên vườn rau phát triển tốt và cho năng suất cao.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ ở làng Biă Tih đã thoát nghèo. Ảnh: R' Ô Hok
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ ở làng Biă Tih đã thoát nghèo. Ảnh: R' Ô Hok
Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả tích cực, thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa thiếu nước nên nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi. Nếu như năm 2017, diện tích rau màu của làng chỉ có 3 ha thì đến nay đã nhân rộng lên đến 8 ha. Anh Y Grinh chia sẻ: Với 1,6 sào đất trồng lúa phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, mỗi năm chỉ thu được 4-5 tạ nên lúc nào cũng thiếu ăn.
“Từ khi Hội Nông dân xã triển khai mô hình trồng rau màu, tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng dưa leo. Nhờ thường xuyên được tập huấn, hướng dẫn nên tôi trồng được 4 vụ/năm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu về hơn 60 triệu đồng”-anh Y Grinh cho biết.
Theo ông Y Yưn-Phó Trưởng thôn Biă Tih: Trước đây, phần lớn đất ruộng của người dân trong làng đều trồng lúa 1 vụ, năng suất thấp. “Từ khi triển khai mô hình trồng rau đến nay, cuộc sống của người dân đã thay đổi, thu nhập hàng năm tăng đáng kể. Nhiều hộ trong làng nhờ đó thoát nghèo, bình quân mỗi năm là 12 hộ. Sắp tới, qua các buổi họp làng, Ban Công tác Mặt trận làng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân tham gia trồng rau tăng thu nhập”-ông Y Yưn nói.
Trao đổi với P.V, ông Y Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơk-cho biết: “Để giúp dân làng Biă Tih thoát nghèo bền vững, chúng tôi đã định hướng nhiều giải pháp thay đổi nhận thức trong cộng đồng dân cư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Do đó, nhiều hộ trong làng đã có thu nhập đáng kể, vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra phạm vi toàn xã”.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.