Thủ tướng Chính phủ: Nông dân đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại” là chủ đề của hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân được tổ chức chiều 28-9 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak. Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã được Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp cặn kẽ.
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đak Lak tổ chức; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. Tham dự hội nghị có Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường; đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành; các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng hơn 400 đại biểu đại diện cho nông dân cả nước.
Để nông nghiệp phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động sâu sắc, tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã bị thiệt hại nặng nề.
Đặc biệt, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, đồng thời làm bộc lộ rõ hơn những điểm yếu, thách thức, khó khăn đối với hoạt động này. Chính vì vậy, những câu hỏi đặt ra tại hội nghị đối thoại lần 3 không chỉ là vấn đề riêng của nông dân, doanh nghiệp khu vực miền Trung-Tây Nguyên mà còn là của nông dân, doanh nghiệp ở các khu vực khác trong cả nước, cần được quan tâm tháo gỡ.
Bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mật ong Phương Di đặt câu hỏi tại chương trình đối thoại với Thủ tướng. Ảnh: Phan Lài
Bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mật ong Phương Di đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại với Thủ tướng. Ảnh: Phan Lài
Đại diện tỉnh Gia Lai phát biểu ý kiến tại hội nghị, bà Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Mật ong Phương Di-chia sẻ: “Những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những giải pháp ngăn chặn việc sản xuất và tiêu thụ phân bón giả, tuy nhiên vẫn còn một số đại lý cung cấp loại phân bón này cho người dân. Vậy Chính phủ đã có những giải pháp gì để chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng này?”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin: Để chấn chỉnh tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản thống nhất 1 đầu mối trực tiếp quản lý là Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cũng đã vào cuộc trong “cuộc chiến” này. Hàng năm, nông dân Việt Nam cần hàng chục triệu tấn phân bón. Đến thời điểm này, số phân bón hữu cơ được cung ứng là 4 triệu tấn. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh, hiện đã có 125.000 ha gieo trồng sản phẩm nông nghiệp theo phương thức hữu cơ. Điều đó cho thấy, chúng ta đang vận hành theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề chúng ta phải tiếp tục chấn chỉnh đối với các cơ sở sản xuất phân bón. Sắp tới, cần đồng bộ hóa khâu tổ chức sản xuất, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho từng đối tượng cây trồng để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các cơ quan, đặc biệt là cơ quan cấp tỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Lực lượng chức năng phải xét xử nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm. Nông dân và Hội Nông dân các cấp cần tố giác những đại lý, cá nhân buôn bán và phân phối phân bón giả nhằm đảm bảo lợi ích cho nông dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng nông sản sạch và hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trưng bày bên lề hội nghị. Ảnh: Phan Lài
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng nông sản sạch và hàng thủ công mỹ nghệ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trưng bày bên lề hội nghị. Ảnh: Phan Lài
Ông Phạm Văn Chử (tỉnh Đak Lak) đặt câu hỏi: “Ngoài các cây trồng chủ lực, Tây Nguyên còn có tiềm năng rất lớn để phát triển chăn nuôi. Chính phủ đã có những chính sách gì để thúc đẩy phát triển chăn nuôi toàn vùng và có cơ chế để người dân được hợp tác, tham gia vào chuỗi chăn nuôi của các doanh nghiệp?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tây Nguyên hiện là thủ phủ cây công nghiệp nhưng cơ cấu chăn nuôi kém, số lượng gia súc ít so với các khu vực khác. Do vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần bố trí lại để cân bằng giữa phát triển chăn nuôi và cây công nghiệp; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, dựa vào chăn nuôi để cung cấp phân bón cho trồng trọt. Thời gian qua, Bộ đã giới thiệu nhiều doanh nghiệp đến Tây Nguyên tìm kiếm cơ hội đầu tư, khuyến khích nông dân thành lập hợp tác xã để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà cho 29 nông dân đại diện nông dân cả nước trực tiếp đối thoại tại hội nghị.

Chia sẻ những trăn trở của nông dân, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: “Nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp với thực tế địa phương luôn là vấn đề nan giải. Vì thế, việc quy hoạch, tìm đầu ra cho nông sản là hết sức quan trọng, luôn được các bộ, ngành quan tâm. Về vấn đề xuất khẩu, chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với nước ngoài, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-8-2020. Vì vậy, các địa phương cần chủ động cập nhật thông tin về các hiệp định thương mại đã ký kết để tuyên truyền đến doanh nghiệp và nông dân nhằm nắm bắt cơ hội mang lại”.

Tiếp tục gỡ khó cho nông dân
Ông Vũ Văn Thủy (tỉnh Đak Nông) nêu thực trạng: Cách đây 10 năm, Tây Nguyên là “miền đất hứa” của người lao động và người dân muốn lập nghiệp khắp mọi miền đất nước. Còn bây giờ, họ kéo nhau đi làm thuê ở khu công nghiệp các tỉnh thành khác để mưu sinh qua ngày. Ông Thủy trăn trở: “Chính phủ có những giải pháp gì để Tây Nguyên tiếp tục là miền đất trù phú?”.
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền các địa phương và lãnh đạo các bộ, ngành cần quan tâm và có phương án để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân, giúp họ gắn bó với vùng đất nơi mình đang sinh sống. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai thác, tận dụng các điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: Phan Lài
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp chủ trì hội nghị đối thoại. Ảnh: Phan Lài
Tại hội nghị, các câu hỏi của nông dân liên quan đến việc quy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả; vấn đề khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy-hải sản; công nghiệp chế biến nông sản; vấn đề nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới… đã được đại diện 14 bộ, ngành giải đáp cặn kẽ và đưa ra các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, xem xét và giải đáp các câu hỏi của bà con nông dân trong thời gian sớm nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Khu vực miền Trung-Tây Nguyên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của khu vực này, trong đó có lĩnh vực “tam nông”.
Thủ tướng đề nghị bà con nông dân Tây Nguyên phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong lao động; mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy lợi thế trong lĩnh vực sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả. 
“Trong quá trình thực hiện, nếu thấy bất cập, thiếu sót, khó khăn trong thực thi chính sách hoặc thậm chí phát hiện sai phạm, đề nghị bà con nông dân mạnh dạn phản ánh thông qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng và nhất là hội nghị nông dân các cấp. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của đơn vị trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng và người nông dân. Các cấp Hội cần sát sao với nông dân, lắng nghe tiếng nói của bà con và nắm chắc tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn... Thông qua đó, kịp thời có những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhằm góp phần tăng hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.