Nguyễn Kim Anh: Dành trọn tâm huyết cho ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Suốt nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) luôn trăn trở phải làm thế nào để giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước đưa ngành nông nghiệp của địa phương phát triển.
 

Giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Nhớ lại quãng thời gian “4 cùng” với bà con nông dân, ông Nguyễn Kim Anh kể: Tôi nhớ có thời kỳ, bà con chỉ trồng các loại cây ngắn ngày mà chưa chú trọng đến cây công nghiệp. Khi có chủ trương phát triển các loại cây công nghiệp thì phong trào trồng cà phê ở Đak Đoa cũng bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, người dân chỉ biết trồng một cách tự phát nên năng suất đạt thấp. Nắm bắt tình hình này, tôi cùng với một số anh em phụ trách mảng nông nghiệp trực tiếp đến các hộ dân vận động, khuyến khích bà con lựa chọn lại giống cà phê mới, có chất lượng tốt để đưa vào sản xuất. Nhờ đó, đến nay, Đak Đoa đã trở thành địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh (hơn 27.700 ha) và có khoảng 90% số hộ trồng cà phê.  

 Ông Nguyễn Kim Anh kiểm tra vườn cây ăn quả của người dân xã Tân Bình (huyện Đak Đoa). Ảnh: T.N
Ông Nguyễn Kim Anh kiểm tra vườn cây ăn quả của người dân xã Tân Bình (huyện Đak Đoa). Ảnh: Thảo Nguyên


21 năm gắn bó với mảnh đất Đak Đoa, ông Nguyễn Kim Anh hiểu rõ muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phải thay đổi tư duy sản xuất. Ông bộc bạch: “Hiện nay, nông dân không chỉ làm ra sản phẩm đơn thuần mà phải tạo những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt. Vì vậy, cán bộ nông nghiệp phải có trách nhiệm giúp bà con nông dân hướng đến canh tác theo hướng bền vững hoặc hữu cơ. Bài học về việc ồ ạt trồng hồ tiêu cho thấy việc sản xuất của người dân không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, quá lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến xuất hiện nhiều loại bệnh làm hồ tiêu chết hàng loạt; cùng với đó nguồn cung vượt cầu dẫn đến giá cả giảm thấp, khiến người nông dân trồng hồ tiêu rơi vào cảnh bấp bênh”.

Ông Nguyễn Kim Anh cho hay: Thời điểm hồ tiêu chết hàng loạt và cà phê rớt giá mạnh, ông đã cùng với anh em đi vận động, khuyến khích bà con nông dân dần chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê.

Tạo điểm nhấn cho nông nghiệp địa phương

Một trong những chương trình nổi bật của ngành nông nghiệp mà ông Nguyễn Kim Anh đặt tâm huyết và dành nhiều thời gian nhất là việc triển khai các dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả nhất phải kể đến chuỗi sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp Gia Lai trên địa bàn 10 xã; chuỗi sản xuất hồ tiêu sạch bền vững theo hướng hữu cơ, cây có múi tại các xã Kon Gang, Nam Yang, Hải Yang liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang; hay sản xuất rau-củ-quả an toàn tại xã Tân Bình liên kết với Công ty TNHH Hương Đất An Phú. Những dự án này đã góp phần làm thay đổi tư duy của người nông dân, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang liên kết sản xuất tập thể, tập trung, nâng cao chất lượng và giúp sản phẩm có đầu ra ổn định.

Năm 2019 là năm đánh dấu sự chuyển biến của ngành nông nghiệp huyện Đak Đoa khi đã xây dựng thành công 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao (bộ 3 sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí và bò khô Huy Vũ), 2 sản phẩm đạt 3 sao (tiêu đỏ sấy hồng ngoại Trần Sơn và khoai lang Lệ Cần). Các sản phẩm OCOP đã dần vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, bước đầu mang lại lợi ích cho cộng đồng và được người tiêu dùng đánh giá cao, là cơ sở để hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công phiên chợ nông sản an toàn vào ngày 15 hàng tháng cũng đã giúp bà con nông dân đưa các sản phẩm, mặt hàng tự làm ra thị trường, tìm thị trường tiêu thụ, từ đó có thêm động lực phát triển sản xuất.

Nhận xét về ông Nguyễn Kim Anh, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Trong 5 năm qua, ông Nguyễn Kim Anh đã tích cực tham mưu trong công tác xây dựng nông thôn mới và xây dựng thành công các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng nhiều dự án liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp, hợp tác xã và kết quả mang lại rất khả quan, tạo được điểm nhấn và góp phần thúc đẩy nông nghiệp địa phương phát triển”.

 THẢO NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.