Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói về vụ đông 2020: Không hô hào tăng diện tích rồi phải lo tiêu thụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ đông năm 2020, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu tăng 15 - 20% về diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, phải thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp để không còn cảnh đầu vụ hô hào tăng diện tích nhưng cuối vụ lại lo tiêu thụ sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Sẽ tăng diện tích vụ đông 2020 để tận dụng lợi thế thị trường. Ảnh: I.T
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Sẽ tăng diện tích vụ đông 2020 để tận dụng lợi thế thị trường. Ảnh: I.T


Khai thác tốt lợi thế địa phương

Được biết, vụ đông năm 2020, Bộ NNPTNT chủ trương tăng diện tích sản xuất lên 15 - 20%. Đâu là căn cứ để Bộ đặt ra mục tiêu cao như vậy?

- Trên cơ sở thắng lợi của vụ đông năm 2019, cộng với những tín hiệu tốt về mặt thị trường, vụ đông năm 2020, Bộ NNPTNT chủ trương tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị.

Cụ thể, diện tích gieo trồng phấn đấu đạt tối đa 450.000ha, sản lượng thu hoạch khoảng 5 triệu tấn, giá trị thu nhập trên dưới 36.000 tỷ đồng. Con số này đã được chúng tôi căn cứ trên tình hình thực tế và bàn bạc với các địa phương để đặt ra quyết tâm cao như vậy.

Sở dĩ Bộ NNPTNT mạnh dạn tăng diện tích sản xuất cây vụ đông dù sản xuất lương thực cũng tăng đáng kể vể sản lượng là vì do tác động của dịch Covid-19, cộng với thiên tai diễn biến phức tạp ở một số nước giúp thị trường thế giới tiêu thụ tốt một số nhóm nông sản, trong đó có cây vụ đông của chúng ta.

Vì thế, Bộ NNPTNT phối hợp với các địa phương khai thác tốt lợi thế này, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân vừa khẳng định được vụ đông là vụ sản xuất chính ở miền Bắc.

 

Bộ NNPTNT chủ trương phát triển ngô sinh khối trong vụ đông 2020. Ảnh: T.L
Bộ NNPTNT chủ trương phát triển ngô sinh khối trong vụ đông 2020. Ảnh: T.L


Chúng ta có một mùa đông lạnh, nếu tận dụng tốt yếu tố này cũng có thể giúp nông dân làm giàu từ vụ đông. Thực tế, ở Hải Dương, với nhóm cây vụ đông chủ lực như cà rốt, hành, tỏi nhưng vài năm trở lại đây, năm nào nông dân cũng thu vài nghìn tỷ đồng từ cây vụ đông.

Tín hiệu tốt của thị trường thế giới cụ thể là gì, thưa Bộ trưởng?

- Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn, nhưng thời gian qua, 27/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc bị ngập lụt, trước đây nông sản Trung Quốc đưa ngược sang Việt Nam nhưng do lũ lụt, chưa thể khôi phục được sản xuất, chúng ta có thể xuất khẩu rau quả sang thị trường này.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa có hiệu lực, nhóm nông sản của vụ đông như dưa chuột, cà chua chế biến có thể xuất khẩu vào thị trường này.

 Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản thời gian qua cũng chú ý đến một số sản phẩm rau màu của Việt Nam. Theo tôi biết, sản phẩm cà rốt của Hải Dương đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc rất thuận lợi.

Mở rộng diện tích ngô sinh khối

Một nét mới trong vụ đông năm 2020 là phát triển ngô sinh khối. Bộ NNPTNT cũng đang có chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Việc mở rộng diện tích ngô sinh khối sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Đúng là như vậy, trồng ngô sinh khối là nét mới trong vụ đông 2020, cũng là sự liên kết giữa ngành chăn nuôi và trồng trọt để mang lại giá trị cao hơn.

Hiện, chúng ta đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sữa của Việt Nam, thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc… bắt đầu nhập khẩu sữa của Việt Nam, mở ra cơ hội tốt thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt đỏ cũng tăng lên, giúp đàn đại gia súc tăng nhanh về số lượng. Khi đàn đại gia súc tăng thì nhu cầu sinh khối ngày càng lớn, đặc biệt trong mùa đông nhu cầu thức ăn thô xanh tăng cao.

Có một điều thuận lợi cho phát triển ngô sinh khối là hiện chúng ta có tổ hợp các giống ngô lai do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo cho sinh khối nhanh, năng suất lên tới 100 - 150 tấn/ha nếu thâm canh tốt. Như vậy làm ngô sinh khối một mặt tạo thu nhập cho ngành trồng tọt, một mặt tăng thức ăn thô xanh cho chăn nuôi.

Để phát triển ngô sinh khối không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với các địa phương để mở rộng diện tích ngô sinh khối, đưa sản phẩm của ngành trồng trọt trở thành đầu vào của chuỗi liên kết trong chăn nuôi mà doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi liên kết đó.

Có một thực tế vụ đông được coi là vụ sản xuất chính nhưng do thiếu lao động, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên nông dân chưa mặn mà. Định hướng của Bộ NNPTNT như thế nào để tháo gỡ khó khăn này?

- Đúng là còn một số khó khăn trong phát triển cây vụ đông nhưng Bộ NNPTNT đã thống nhất các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, trong đó đặc biệt ưu tiên mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp cần sản phẩm gì thì gắn kết với từng nhóm địa phương có sản phẩm thế mạnh đó, không chỉ đảm bảo người dân sản xuất, tiêu thụ thuận lợi mà doanh nghiệp cũng lựa chọn được sản phẩm phù hợp.

 Quan điểm của Bộ là không thể để xảy ra cảnh đầu vụ thì hô hào mở rộng diện tích, cuối vụ lại lo tiêu thụ sản phẩm.

Các địa phương cũng nhận thức rõ vai trò, vị trí quan trọng của vụ đông nên luôn dành sự ưu tiên đặc biệt với các cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Có địa phương hỗ trợ giống, có nơi giúp người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, có địa phương trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết khép kín.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


 

https://danviet.vn/bo-truong-bo-nnptnt-noi-ve-vu-dong-2020-khong-ho-hao-tang-dien-tich-roi-phai-lo-tieu-thu-20200904163758428.htm

 ANH THƠ (thực hiện)
(Dẫn nguồn Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.