Sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp: Cần có hướng xử lý phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quá trình sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp bộ lộ nhiều yếu tố phức tạp do tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, nhiều khu rẫy nằm xen kẽ với rừng tự nhiên. Hiện nay, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ở Gia Lai tiếp tục rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp để có hướng xử lý phù hợp. 
Sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp
Theo thống kê, cuối năm 2019, diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh khoảng 75.904 ha. Trong đó, diện tích do các chủ rừng quản lý khoảng 35.963 ha, diện tích chưa có chủ rừng thực sự (do UBND cấp xã tự quản lý) khoảng 39.941 ha. Trong đó, người dân đã trồng khoảng 317,92 ha cao su, 268,38 ha cà phê, 89,9 ha hồ tiêu, 34 ha cây ăn quả và cây trồng khác khoảng 75.194,74 ha.
Quá trình sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp bộc lộ nhiều yếu tố phức tạp do tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, nhiều khu rẫy nằm xen kẽ với rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, dân di cư tự do từ các tỉnh khác trong những năm trước thường vào các vùng lõm ven sông suối ở trong rừng để canh tác, lâu dần hình thành khu dân cư tự phát. Nhiều hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng để lấy đất sản xuất. Trong khi đó, cơ quan chức năng thì gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, ngăn chặn và chưa xử lý triệt để.
Cây mắc ca được người dân trồng trên đất lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cây mắc ca được người dân trồng trên đất lâm nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, đối tượng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp hầu hết là cá nhân, hộ gia đình với khoảng 11.126 hộ, chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp xảy ra trước thời điểm thực hiện quy hoạch, số lấn chiếm sau quy hoạch chiếm tỷ lệ nhỏ. Nếu năm 2011 lấn chiếm 991,2 ha thì đến năm 2019, con số này khoảng 121 ha.
Tìm giải pháp phù hợp
Những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp như: rà soát lại 3 loại rừng, phân định rõ quy hoạch đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp. Những diện tích đã xây dựng nhà ở, sản xuất ổn định thì đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để địa phương quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Trong khi đó, diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thì thu hồi, vận động người dân chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp hoặc trồng lại rừng.
Ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: Tình trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chủ yếu diễn ra tại xã Song An. Người dân trồng mì, keo, bạch đàn trên những diện tích đất này để bán nguyên liệu cho các nhà máy. Việc sản xuất này đã giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, giải quyết công lao động nhàn rỗi của địa phương. 
 Chuẩn bị cây giống trồng rừng năm 2020 tại huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chuẩn bị cây giống trồng rừng năm 2020 tại huyện Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Diệp
Thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND của UBND tỉnh về thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, trong 3 năm (2017-2019), các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đang sản xuất cây nông nghiệp được trên 31.568 ha (trong đó, qua đối chiếu quy hoạch 3 loại rừng thì có khoảng 17.865 ha sản xuất trên đất quy hoạch lâm nghiệp); diện tích trồng rừng khoảng 18.098,7 ha.
Ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Hiện nay, tỉnh tiếp tục rà soát diện tích sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp để có hướng xử lý phù hợp. Trước mắt, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân kê khai diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng mà người dân sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và quy hoạch. Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ người dân nhận đất, nhận rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp bền vững nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ 633.325 ha rừng hiện có. 
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.