Nông hội: Ngôi nhà chung của nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Gia Lai, nhiều nông hội đã được thành lập nhằm giúp nông dân có thêm cơ hội được hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Qua thực tế hoạt động, các nông hội đã chứng minh hiệu quả trong việc thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp chất lượng cao.
 

Liên kết theo nguyên tắc “3 không, 3 tự, 3 cùng”

Ông Nguyễn Danh Xuân-Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước, dân tộc và tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy) cho biết: Cuối năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì tham mưu, hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng nông hội, qua đó hỗ trợ hộ nông dân phát triển kinh tế.

Các nông hội hoạt động theo nguyên tắc “3 không, 3 tự, 3 cùng” (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Ban chủ nhiệm nông hội phối hợp với chính quyền địa phương, kết nối các nhà khoa học để hướng dẫn nông dân về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất...

Nhờ tham gia mô hình liên kết nông hội, anh Nguyễn Văn Quý (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) có thu nhập ổn định với hơn 350 triệu đồngnăm
Nhờ tham gia mô hình liên kết nông hội, anh Nguyễn Văn Quý (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) có thu nhập ổn định hơn 350 triệu đồng/năm. Ảnh: Ngọc Thu


Cuối năm 2019, Hội Nông dân xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) đã đứng ra thành lập Nông hội chăn nuôi với 24 hội viên. Qua thời gian hoạt động, Nông hội đã phát huy hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho hội viên. Bằng kinh nghiệm của bản thân cộng với kỹ thuật chăn nuôi học hỏi được từ các chuyên gia, anh Nguyễn Văn Quý (thôn Linh Nham) đã quản lý, chăm sóc đàn dê gần 200 con theo quy trình chặt chẽ, giúp dê sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm, trừ chi phí, anh thu nhập hơn 350 triệu đồng từ đàn dê, cao gấp 3 lần so với trồng hồ tiêu. 

Không chỉ bán dê thương phẩm, anh Quý còn cung cấp dê giống cho 20 hộ trong vùng và liên kết đảm bảo đầu ra cho các hộ này. “Khi tham gia Nông hội, các thành viên có cơ hội chia sẻ kỹ thuật chăm sóc dê, cùng bán dê 1 đợt để giá cả ổn định, không bị thương lái ép giá”-anh Quý cho biết.

Tại thôn Thống Nhất (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện), cuối năm 2019, Nông hội Tâm Ngư cũng được thành lập. Ông Nguyễn Văn Tỵ chia sẻ: “Nông hội Tâm Ngư gồm 21 hộ nuôi cá thương phẩm tự nguyện tham gia, cùng nhau đóng quỹ để hỗ trợ nhau; chia sẻ kinh nghiệm khử trùng nước, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cá trắm, cá chép thương phẩm cho năng suất cao. Vì vậy, thay vì nuôi cá từ năm này sang năm khác mới được thu hoạch, chúng tôi giờ nuôi cá chỉ 7 tháng là cho thu hoạch, năng suất đạt 4 tấn/sào, chất lượng cá và giá bán cũng cao hơn”.

Sau hơn nửa năm triển khai xây dựng mô hình nông hội, toàn tỉnh đã thành lập được 41 nông hội tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố với 1.398 hội viên, trong đó có 500 hội viên là người dân tộc thiểu số. Các nông hội chủ yếu là liên kết sản xuất nông nghiệp (trồng rau, hoa, cây ăn quả); chuyên canh lúa, chăn nuôi (cá, dê, thỏ, bò, dúi); làm nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu ghè từ men rễ cây); trồng, sơ chế cà phê sạch; chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày (mì, mía)... Nông hội đã phát huy vai trò tập hợp, vận động nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo môi trường và điều kiện để người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và phát huy tinh thần đoàn kết, tự chủ.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình nông hội cũng gặp không ít khó khăn. Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của các địa phương còn hạn chế nên một số nông dân chưa tự giác, tích cực tham gia nông hội. Đối với các buổi sinh hoạt của nông hội, do năng lực của Ban chủ nhiệm còn hạn chế nên việc định hướng nội dung, chương trình hoạt động thiếu cụ thể, chưa có sức lôi cuốn thành viên tham gia. Cùng với đó, các dịch vụ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên phát triển sản xuất còn ít”.

  Các thành viên trong Nông hội Kinh tế vườn xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) tham gia sinh hoạt, chia sẻ kỹ thuật trồng trọt. Ảnh: N.T
Các hội viên Nông hội Kinh tế vườn xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) tham gia sinh hoạt, chia sẻ kỹ thuật trồng trọt. Ảnh: Ngọc Thu

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Danh Xuân thông tin: Việc xây dựng mô hình nông hội là chủ trương mới đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Đặc biệt, nông dân phải xác định mình là chủ thể của nông hội. Vì vậy, trong thời gian đến, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình nông hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội cần phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tự nguyện tham gia mô hình nông hội; tham gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng, thành lập nông hội ở các địa phương.

Cũng theo ông Xuân, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tích cực hỗ trợ nông hội về vốn vay ưu đãi, tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung chỉ đạo thành lập mới mô hình nông hội, nâng cao chất lượng hoạt động của các nông hội hiện có, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sau khi thành lập, các ngành liên quan cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nông hội; quan tâm hỗ trợ các trang-thiết bị và một phần kinh phí sinh hoạt cho các nông hội (từ nguồn kinh phí thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh) nhằm giúp các nông hội ngày càng phát triển bền vững.

 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.