Chư Sê: Hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Sê đã quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đầu tư phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Vận động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi 
Xã Bar Măih có 90% dân cư là đồng bào DTTS. Song song với việc giải quyết đất sản xuất, đất ở, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xã đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp phát triển nông nghiệp để hỗ trợ người nghèo đầu tư phát triển sản xuất. Xã đã hỗ trợ 120 hộ đồng bào DTTS nghèo chuyển đổi 31,93 ha cà phê già cỗi sang trồng khoai lang Nhật và chuối lùn mang lại hiệu quả. Chính quyền xã còn xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân về tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. 
Ông Đinh Reo-thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bar Măih-cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình ông phụ thuộc vào cây hồ tiêu, nhưng rồi tiêu chết, mất giá nên thu nhập giảm sâu. Đầu năm 2020, được Hợp tác xã hỗ trợ 8 con dê giống, gia đình ông tích cực chăm sóc nên phát triển lên được 17 con. “Hiện tại, gia đình mình đang vay vốn ưu đãi 200 triệu đồng đầu tư trồng 10 ha chuối lùn. Hy vọng đàn dê và dự án trồng chuối mang lại hiệu quả ổn định”-ông Reo nói. Còn ông Đinh Khanh thì chia sẻ: “Gia đình tôi tiên phong chuyển đổi diện tích đất trồng lúa rẫy kém hiệu quả sang trồng chuối lùn, bình quân mỗi tháng thu nhập 5-6 triệu đồng”.
Từ chỗ độc canh cây cà phê và hồ tiêu, người dân Chư Sê đã từng bước chuyển đổi sang trồng khoai lang, chuối lùn, cây ăn quả, cây dược liệu, nấm... cho thu nhập ổn định. Bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê-cho biết: Đơn vị phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế như: trồng rau trong nhà kính, trồng cây dược liệu, trồng chuối lùn, trồng nấm... Các mô hình này phát huy hiệu quả đã kích thích nhiều hộ khác làm theo, chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa một số loại cây-con giống có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Vợ chồng anh Đinh Reo-làng Tơ Drăh chăm sóc đàn dê. Ảnh: Đinh Yến
Vợ chồng anh Đinh Reo-làng Tơ Drăh chăm sóc đàn dê. Ảnh: Đinh Yến
Hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn 
Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, trong 5 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ các xã, thị trấn triển khai thực hiện một số dự án với tổng kinh phí 41,906 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 64,4 tỷ đồng. 
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đánh giá: Các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi bình quân 16-25 triệu đồng/hộ của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp hộ nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh dịch vụ để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời, góp phần ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi trong vùng nông thôn, nhất là đồng bào DTTS. 
Để phát huy đồng vốn, huyện quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa giúp người nghèo tiếp cận và tham gia. Tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và hướng dẫn cách chi tiêu tiết kiệm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có hướng vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đi lao động xuất khẩu để tăng thu nhập cho người nghèo.
Nhờ đó, trong 5 năm gần đây, toàn huyện giảm 4.727 hộ nghèo, tương đương 18%, bình quân mỗi năm giảm 3,6%. Nếu năm 2016, thu nhập bình quân của hộ nghèo là 7,86 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo là 8,95 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân của hộ nghèo ước đạt 9,36 triệu đồng/người/năm, hộ cận nghèo là 12,57 triệu đồng/người/năm.
“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Chư Sê tiếp tục rà soát đánh giá chính xác số hộ nghèo, cận nghèo cùng với các chương trình, dự án, cơ chế chính sách hỗ trợ để có phương án lồng ghép, phối hợp thực hiện hiệu quả hơn. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân”-bà Lê Thị Ngọc xác định.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.