Chư Pưh: Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) luôn chú trọng triển khai các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, huyện từng bước nhân rộng các mô hình để nâng cao thu nhập cho người dân.


Trước tình trạng giá hồ tiêu giảm mạnh, cây chết hàng loạt do dịch bệnh, tháng 8-2019, UBND xã Ia Hrú đã xây dựng mô hình trồng cây sâm Bố Chính trên diện tích 4,5 ha với 5 hộ tham gia. Ông Vũ Đức Sắp (làng Dư) cho hay: Được UBND xã vận động, tôi đã phá bỏ 1 ha hồ tiêu chết, đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, cải tạo đất để trồng sâm Bố Chính. Sau 1 năm, vườn sâm đã cho thu hoạch, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

“Sâm Bố Chính là cây trồng mới lạ nên lúc đầu tôi cũng khá lo lắng. Đến nay, tôi có thể khẳng định, trồng sâm Bố Chính rất đơn giản và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ vừa rồi, tôi thu hoạch được 2 tấn củ. Với giá bán 60.000-70.000 đồng/kg, tôi thu về hơn 120 triệu đồng. Có kinh nghiệm rồi, vụ tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng sâm thêm 1 ha nữa”-ông Sắp thông tin.

  Vườn sâm Bố Chính của gia đình ông Vũ Đức Sắp (làng Dư, huyện Chư Pưh). Ảnh: P.N
Vườn sâm Bố Chính của gia đình ông Vũ Đức Sắp (làng Dư, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh). Ảnh: Phạm Ngọc


Tương tự, tại xã Ia Rong, nhiều hộ dân đã chuyển diện tích hồ tiêu chết sang trồng mít Thái. Chị Vũ Thị Huế (làng Teng Nong) cho biết: “Đầu năm 2019, khi UBND xã vận động, gia đình tôi đã chuyển 5 sào đất trồng hồ tiêu chết sang trồng 225 cây mít Thái. Đến nay, vườn mít của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt và chuẩn bị cho thu bói. Tôi hy vọng vườn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Cũng trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh đã hỗ trợ 240.000 hom giống dâu S7-CB cho 23 hộ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm với diện tích 6 ha. Mô hình được triển khai trên địa bàn các xã: Ia Le, Ia Blứ, Chư Don, Ia Phang, Ia Hla và thị trấn Nhơn Hòa với tổng kinh phí hơn 361 triệu đồng (trong đó, ngân sách nhà nước 241,9 triệu đồng, còn lại người dân đóng góp). Đến nay, cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt. Trung bình mỗi sào dâu cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí.

Ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng mấy ngàn trụ hồ tiêu nhưng giờ cây chết hết, thành ra trắng tay. Thấy trồng dâu nuôi tằm đầu tư ít, lại quay vòng vốn nhanh nên tôi đã đầu tư trồng hơn 5 sào và làm nhà nuôi tằm rộng 30 m2. Trồng dâu nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật. Hiện nay, đầu ra của kén cũng rất ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu, làm thêm nhà nuôi tằm và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trong xã có nhu cầu”.

Vườn bưởi đỏ Hòa Bình của các hộ dân thôn Phú An, xã Ia Le bước đầu phát triển xanh tốt. Ảnh: Phạm Ngọc
Vườn bưởi đỏ Hòa Bình của các hộ dân thôn Phú An, xã Ia Le bước đầu phát triển xanh tốt. Ảnh: Phạm Ngọc


Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, huyện Chư Pưh đã triển khai 11 dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị với các hợp tác xã và doanh nghiệp, gồm: sản xuất-tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao; sản xuất-tiêu thụ nghệ sạch; tiêu thụ sản phẩm mít Thái; sản xuất-tiêu thụ sản phẩm nhãn Hương Chi; tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu an toàn; trồng dâu nuôi tằm; sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ; trồng cây dược liệu; sản xuất chanh dây; sản xuất bơ an toàn; sản xuất nấm. Bước đầu, các dự án liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. Bà con và doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nhau để sản xuất bền vững.

Riêng trong năm 2019 và 2020, huyện đã tổ chức nhiều hội thảo về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn với sự tham gia của đông đảo người dân. Thông qua các cuộc hội thảo, chính quyền địa phương nắm bắt nhu cầu của người dân, từ đó định hướng, vận động các hộ lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của từng gia đình để triển khai.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Hiệu quả thực tế đem lại từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đã chứng minh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là đúng đắn. Thời gian tới, cùng với triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh và những giải pháp, bước đi phù hợp của huyện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn sẽ có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân.

PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.