Lão nông Gia Lai thu tiền tỷ từ ghép cây cà phê đa thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người dân thôn 6 (xã Gào, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đều rất ngưỡng mộ ông Cù Nhật Tiến. Bởi lẽ, ông là người tiên phong chuyển đổi toàn bộ 50 ha cà phê già cỗi của gia đình sang cà phê ghép đa thân Thiện Trường, cho năng suất cao gấp 3-4 lần so với cây cà phê cũ.
Theo lời giới thiệu của người dân xã Gào, chúng tôi theo con đường nhựa rộng rãi chạy xuyên qua những vườn cao su và cà phê xanh mướt dẫn đến cơ ngơi khang trang của ông Cù Nhật Tiến. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng lão nông này vẫn quắc thước, khỏe khoắn lắm. 
Nhấp ly trà nóng, ông Tiến chậm rãi kể về những năm tháng gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió này. Năm 1976, ông rời huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên Gia Lai lập nghiệp. Ông chọn cây cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Lúc đầu, do chưa có đủ điều kiện nên ông trồng với diện tích nhỏ, rồi dần tích lũy vốn để mở rộng diện tích. Sau đó, gia đình ông trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông lại gom tiền mua đất mở rộng diện tích canh tác. Thu nhập của gia đình theo đó tăng lên, trở thành hộ có kinh tế khá giả trong vùng.
Ông Cù Nhật Tiến (xã Gào, TP. Pleiku) bên vườn cà phê ghép của gia đình. Ảnh: Ánh Hồng
Ông Cù Nhật Tiến (xã Gào, TP. Pleiku) bên vườn cà phê ghép của gia đình. Ảnh: Ánh Hồng
Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài khai thác, vườn cà phê bắt đầu già cỗi, năng suất, chất lượng cà phê giảm xuống, trong khi cây hồ tiêu bị bệnh chết dần. Cùng với đó, giá liên tục giảm sâu tận đáy khiến thu nhập của gia đình giảm mạnh. Nhiều hộ dân cùng cảnh ngộ như ông Tiến đã phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang cây trồng khác. Nhưng với đức tính cần cù, không chịu khuất phục trước khó khăn, ông trăn trở, suy nghĩ tìm cách cải tạo vườn cà phê.
Theo đó, ông tìm đến những vùng chuyên canh cây cà phê trong cả nước để tìm hiểu cách cứu vườn cây. Khi đến vườn ươm cà phê Trường Sơn (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), ông may mắn gặp anh Trường-người đã nghĩ ra cách ghép chồi trên thân cây cà phê có sẵn và lấy tên giống cây ghép này là Thiện Trường (tên vợ chồng anh ghép lại). Như trút được gánh nặng đè vai, ông Tiến mua ngay cây giống về ghép trên diện tích cà phê của gia đình.
Năm 2013, ông Tiến thuê nhân công từ Lâm Đồng về ghép thử nghiệm trên diện tích nhỏ, tỷ lệ chồi sống đạt 80-90%. Qua quá trình thử nghiệm, nhận thấy chồi cà phê Thiện Trường sau khi ghép sinh trưởng, phát triển tốt, rất phù hợp với thổ nhưỡng, kháng được một số bệnh phổ biến trên cây cà phê và cho năng suất cao hơn gấp 3-4 lần so với cây cà phê cũ, ông Tiến quyết định triển khai ghép trên toàn bộ diện tích cà phê của mình.

Ông Kpă Duan-Bí thư Đảng ủy xã Gào: Ông Cù Nhật Tiến là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương, đã mạnh dạn đi đầu trong việc ghép chồi cà phê đa thân mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và giải quyết việc làm cho một số hộ dân trong xã. Hiện nay, xã đang triển khai nhân rộng mô hình này, trước mắt là triển khai thí điểm tại làng A.

Gia đình ông Tiến hiện có hơn 50 ha cà phê ghép giống Thiện Trường trồng xen hồ tiêu, năng suất cà phê trung bình đạt 30-35 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định trên 8 tỷ đồng/năm. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với tiền công trung bình 170.000 đồng/người/ngày.

Gần đây, nhiều người trồng cà phê trong tỉnh đã tìm đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Hiện mỗi ngày gia đình ông thu trên 1 triệu đồng từ việc bán chồi cà phê ghép.
ÁNH HỒNG-DƯƠNG LIỄU

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.