Gia Lai hỗ trợ người dân vùng khó vươn lên thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 3 năm (2017-2019), nhờ được hỗ trợ cây giống, vật nuôi và một số mặt hàng chính sách khác từ chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của Chính phủ, nhiều hộ dân trong tỉnh Gia Lai đã từng bước thoát nghèo bền vững.

 

Tạo sinh kế cho người nghèo

Từ năm 2017 đến 2019, nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân vùng DTTS đã được triển khai, đảm bảo các mặt hàng chính sách đến tận tay bà con. Tổng kinh phí hỗ trợ các mặt hàng chính sách cho người nghèo trong tỉnh lên đến gần 350 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cây giống, phân bón, muối I ốt đạt hơn 90%; hỗ trợ bò, dê lai bách thảo và heo giống đạt 100%. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ con giống đã phát huy hiệu quả, tạo sinh kế cho nhiều gia đình thiếu tư liệu sản xuất.

  Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Ia Pa về việc khảo sát tình hình hỗ trợ các mặt hàng chính sách đảm bảo xã hội cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2019. Ảnh: N.G
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Ia Pa về việc khảo sát tình hình hỗ trợ các mặt hàng chính sách đảm bảo xã hội cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2019. Ảnh: N.G



Năm 2018, hai người con của ông Đinh Sơn (thôn 3, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) đứng trước nguy cơ phải bỏ học bởi gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông Sơn kể: “Mấy năm trước, cây trồng mất mùa liên tục, lại không chăn nuôi nên nhà tôi nghèo lắm. Tôi định cho hai đứa con nghỉ học để đi làm thuê. Nhưng khi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống, các con tôi 1 buổi đi học, 1 buổi về chăn bò phụ bố mẹ, không phải nghỉ học nữa. Con bò này đã đẻ được 1 bê con và sắp đẻ 1 con nữa. Hàng năm, gia đình tôi còn được Nhà nước hỗ trợ giống bắp lai. Nhờ chịu khó làm ăn hơn nên cuối năm vừa rồi, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Được Nhà nước hỗ trợ bò giống và phân bón, cộng với cần cù lao động, gia đình anh Đinh Nhoắc (làng Jro Ktu-Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã thoát nghèo. Anh cho hay: Năm 2016, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống. Đến nay, bò mẹ đã sinh được 2 con bê. Đầu năm 2019, anh mua thêm 1 con bò, nâng tổng đàn lên 4 con. Cùng với chăn nuôi bò, vợ chồng anh chịu khó chăm nom hơn 1 ha mì, mía và 3 sào ớt, dưa leo, đậu cô ve, mang lại nguồn thu nhập 40-50 triệu đồng/năm.

Chương trình hỗ trợ con giống, vật nuôi, phân bón cho đồng bào DTTS trong giai đoạn 2017-2019 đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi tạo được sinh kế cho bà con. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: Những năm qua, huyện Kông Chro triển khai nhiều chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng… tạo sinh kế cho người dân. Cùng với đó, bà con được hướng dẫn kỹ thuật để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi nên đã nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ. “Cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện gần 45% nhưng đến cuối năm 2019 giảm còn 23,15%, tương đương 2.735 hộ”-ông Ẩn thông tin thêm.

Nhân rộng những cách làm hiệu quả

Các chính sách hỗ trợ người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS đã góp phần rất lớn vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ con giống đang phát huy hiệu quả rõ nét. Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-thông tin: “Giai đoạn 2017-2019, người dân trong huyện được hỗ trợ 641 con bò giống. Qua 3 năm, số bò này đã sinh sản được 148 con bê. Riêng năm 2019, huyện được hỗ trợ 63 con dê lai Bách Thảo. Số con giống này đang sinh trưởng phát triển tốt, đã sinh sản được hơn 10 dê con. Chúng tôi nhận thấy việc hỗ trợ con giống đã tạo nguồn sinh kế cho bà con, giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững. Vì vậy, thời gian tới, huyện Ia Pa sẽ đề xuất tăng cường hỗ trợ cho bà con về con giống để phát huy hiệu quả hơn nữa”.

Nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: ĐỨC THỤY
Nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: ĐỨC THỤY

Ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: “Chúng tôi đã trực tiếp đi thăm hàng chục gia đình được hưởng các mặt hàng chính sách. Sau khi cấp phát, các địa phương đã làm tốt công tác giám sát, hỗ trợ bà con kỹ thuật chăm sóc, phòng tránh dịch bệnh. Từ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ các mặt hàng chính sách. Ghi nhận các ý kiến của địa phương, trong những năm tới, hình thức hỗ trợ con giống cho bà con sẽ được đề nghị nhân rộng”.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh-Trưởng phòng Dân tộc huyện Đak Pơ: Khi được hỗ trợ con giống, bà con đã biết tận dụng nguồn thức ăn sẵn để chăn nuôi, phát triển đàn nhanh chóng. Đặc biệt, đối với những hộ thiếu đất sản xuất, con giống chính là nguồn sinh kế lâu dài. Tại huyện Đak Pơ, hơn 300 con bò giống được hỗ trợ thời gian qua đang phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét cho người dân.

Trong đợt giám sát việc hỗ trợ các mặt hàng chính sách trên địa bàn tỉnh mới đây, ông Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả tích cực tại các địa phương. Ông Điềm cũng lưu ý các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo DTTS nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, xóa bỏ tính ỷ lại. Đồng thời, các địa phương tích cực đẩy mạnh cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; tăng cường công tác nêu gương những gia đình thoát nghèo bền vững nhờ các mặt hàng chính sách trong cộng đồng người DTTS; giám sát chặt chẽ hơn nữa các mặt hàng chính sách sau cấp phát để tránh trường hợp người dân sử dụng không đúng mục đích, từ đó phát huy tối đa hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng đặc biệt khó khăn.

 

 NGUYỄN GIANG-NGỌC MINH


 

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.