Chư Pah mở rộng diện tích cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều nông dân huyện Chư Pah (Gia Lai) đã chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Gia đình ông Đặng Văn Kích (thôn Đại An 2) là một trong những hộ đầu tiên của xã Ia Khươl chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng sầu riêng, mít Thái, bơ, chôm chôm. Trong đó, cây trồng chủ lực là sầu riêng giống Ri6 và Thái Lan. Đến nay, gia đình ông đã có 800 cây sầu riêng, trong đó có 250 cây đang kinh doanh. Ông Kích cho biết: “Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về trên 200 triệu đồng từ vườn sầu riêng. Các loại cây trồng khác như: mít Thái, bơ, chôm chôm cũng bắt đầu cho thu hoạch. 1 ha cây ăn quả mỗi năm cho thu nhập cao gấp 3 lần so với cây cà phê”.
  Chị Dương Thị Thủy (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) chăm sóc  vườn quýt  của  gia đình. Ảnh: P.N
Chị Dương Thị Thủy (xã Ia Khươl, huyện Chư Pah) chăm sóc vườn quýt của gia đình. Ảnh: P.N
Cũng chọn hướng đi này, năm 2017, chị Dương Thị Thủy (cùng thôn) đầu tư khoảng 300 triệu đồng mua 1,5 ha đất trồng 100 cây cam sành, 1.000 cây quýt đường, 400 cây bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả khác. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cây của gia đình chị phát triển rất tốt. Sau hơn 3 năm chăm sóc, cam và quýt đã cho thu hoạch vụ đầu tiên được khoảng 3 tấn quả. Với giá bán 15-25 ngàn đồng/kg, gia đình chị thu về hơn 60 triệu đồng. Dự kiến trong năm nay, sản lượng cam, quýt của gia đình chị sẽ đạt khoảng 15 tấn. Chị Thủy cho hay: “Các loại cây có múi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, tôi canh tác theo quy trình sạch. Vì vậy, đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận vườn thu mua, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường”.
Trước đây, gia đình chị Rơ Châm Eng (làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka) có 1 ha đất sản xuất nhưng chỉ trồng mì và các loại cây ngắn ngày, thu nhập rất thấp. Năm 2015, chị quyết định chuyển đổi sang trồng cà phê, xen canh thêm một số cây ăn quả như: sầu riêng, bơ, mít. Chị chia sẻ: “Sau 3 năm chuyển đổi, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, gia đình còn có tiền lo cho con cái học hành”.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, toàn huyện có 437 ha cây ăn quả, trong đó có 342 ha trồng xen, còn lại là trồng thuần. Các loại cây ăn quả được người dân trồng chủ yếu gồm: bơ, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, chanh dây... Những năm gần đây, khi giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, nhận thấy lợi ích thiết thực từ cây ăn quả mang lại, người dân đã học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, tìm hiểu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và từng bước mở rộng diện tích. Cách làm này giúp nhiều nông dân có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Ông Đặng Văn Kích (trái) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Phạm Ngọc
Ông Đặng Văn Kích thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Phạm Ngọc
Ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah-cho biết: Việc phát triển các loại cây ăn quả góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: nông dân chủ yếu trồng tự phát, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa áp dụng công nghệ mới vào sản xuất… Việc trồng xen các loại cây cũng gây khó khăn trong xây dựng các tiêu chuẩn như: VietGAP, Organic… bởi chế độ chăm sóc của mỗi loại cây khác nhau, đồng thời làm ảnh hưởng tới việc gắn mã vùng cho sản phẩm hàng hóa vì sản xuất không được tập trung thành từng vùng.
“Để phát triển cây ăn quả theo chiều sâu, thời gian tới, huyện sẽ rà soát và quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho một số loại cây chính; tổ chức liên kết theo tổ nhóm, hợp tác xã về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập huấn kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP cho nông dân; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah thông tin.
PHẠM NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.