Làm giàu trên vùng đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi và thiếu nước tưới đã khiến cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân xã Hbông (huyện Chư Sê) gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, nơi đây vẫn có những hộ nông dân biết vượt khó để làm giàu, điển hình như gia đình ông Trương Văn Thệ ở làng Kte.
Bật hệ thống tưới tự động cho vườn rau xanh xong, ông Thệ lấy chiếc ghế nhựa ra ngồi dưới gốc mận ngay phía trước nhà vừa nhâm nhi ly trà, vừa căn chừng khi đủ lượng nước thì tắt máy. Chỉ tay về phía hồ trữ nước cuối vườn, ông Thệ cho biết, vài năm trở lại đây, nhờ có hồ nước này, gia đình ông đã chủ động được lượng nước tưới cho cây trồng. Ông còn đầu tư lắp đặt hệ thống ống nước quanh vườn nên việc chăm sóc cây trồng cũng “khỏe” hơn trước. Ông Thệ trải lòng: “Tôi lập gia đình năm 1989 rồi lần lượt sinh 3 người con. Do gia đình hai bên kinh tế cũng không mấy dư dả nên vợ chồng phải tự lực cánh sinh. Không có đất sản xuất và công việc ổn định nên năm 2012, tôi quyết định rời Phú Thiện lên xã Hbông lập nghiệp”.  
Ông Trương Văn Thệ (xã Hbông, huyện Chư Sê) bên vườn mía của gia đình. Ảnh: A.H
Ông Trương Văn Thệ (xã Hbông, huyện Chư Sê) bên vườn mía của gia đình. Ảnh: A.H
Mua 5 sào đất với giá 4 triệu đồng, gia đình ông bắt tay vào trồng các loại đậu. Cứ luân canh 1 vụ trồng đậu xanh, vụ còn lại gia đình ông chuyển sang trồng đậu nành. 3 đứa con ngày một lớn trong khi thu nhập từ cây rau màu không đủ sống, vì vậy, gia đình ông mở thêm quán bán cháo và tranh thủ thời gian đi làm thuê làm mướn. Khi cuộc sống dần cải thiện, vợ chồng ông dành dụm để mua thêm đất. Đến nay, gia đình ông đã có 3,2 ha đất sản xuất. “Vợ chồng tôi dành ra 2 sào đất ngay cạnh nhà để trồng rau xanh, cứ mùa nào tôi lựa chọn giống rau đó, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại, trong vườn, ngoài rau muống, mồng tơi, đậu cô ve, dưa leo, hành, ngò, tôi còn làm giàn để trồng bầu, bí các loại. Tôi trồng theo hình thức rau an toàn nên bà con quanh vùng rất ưa chuộng. Mỗi tháng, gia đình tôi thu bình quân 14-15 triệu đồng từ bán rau”-ông Thệ nói.
Ông Thệ đang cắt rau muống bán cho khách. Ảnh: A.H
Ông Thệ đang cắt rau muống bán cho khách. Ảnh: A.H
Với 3 ha đất sản xuất còn lại, ban đầu, ông đầu tư trồng mì, bắp. Vì năng suất các loại cây này không cao, giá cả lại bấp bênh nên ông quyết định chuyển sang trồng mía. Ông Thệ lý giải: Đất ở đây chủ yếu là đá vôi, nguồn nước lại khan hiếm, nếu trồng cà phê, hồ tiêu sẽ không đủ nước tưới, trồng cao su thì không phù hợp. Còn cây mía vừa dễ trồng, khả năng kháng bệnh và chịu hạn tốt, lại tốn ít công chăm sóc nhưng cho thu nhập cao hơn so với cây bắp, cây mì. Theo ông Thệ, trồng mía quan trọng nhất là khâu làm đất, chọn giống và căn thời điểm để xuống giống nhằm tránh bị khô hạn. Thay vì chỉ trồng mía đường bán cho nhà máy, gia đình ông còn mạnh dạn thử nghiệm với cây mía ép nước trên diện tích 4 sào để bán cho các thương lái ở thị trấn Chư Sê. So sánh hiệu quả giữa 2 loại mía này, ông Thệ cho rằng, mía ép nước cho hiệu quả cao gần gấp đôi so với mía đường. Cụ thể, 1 sào mía đường chỉ thu được khoảng 7,5 triệu đồng nhưng 1 sào mía ép nước thì cho thu 13-14 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chăm sóc cây mía ép nước cầu kỳ hơn, phải thường xuyên bóc lá để tránh gãy đổ, tỉa bớt cây con cho cây mía to, trữ lượng nước nhiều và kiểm tra vườn để phòng trừ sâu bệnh, nhất là sâu đục thân. Hiện tại, gia đình ông đang duy trì 1,5 ha mía đường, 1,5 ha mía ép nước. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được gần 300 triệu đồng từ 3 ha mía.
“Lấy ngắn nuôi dài”, chọn lựa cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng là cách mà ông Thệ lựa chọn để phát triển kinh tế bền vững. Từ hai bàn tay trắng, sau 8 năm lập nghiệp trên vùng đất khó, gia đình ông đã trở nên khá giả với tổng thu nhập bình quân hơn 400 triệu đồng/năm nhờ trồng mía và rau xanh.
Nói về mô hình kinh tế của gia đình ông Thệ, anh Từ Thế Lộc-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Hbông-cho hay: “Trước đây, gia đình ông Thệ cũng như nhiều hộ dân trong xã chủ yếu trồng bắp, mì. Những năm sau này, người dân đã phần nào chủ động được nguồn nước tưới nên chuyển đổi cây trồng cho phù hợp và mô hình của gia đình ông Thệ được xem là cách làm hiệu quả để người dân học hỏi, làm theo”.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.