Đầu tư giống nâng tầm chất lượng Gạo Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một “lỗ hổng” lớn trong quá trình xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” là chưa chủ động được giống lúa mà phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ các tỉnh khác. Để khắc phục tình trạng này, mới đây, UBND huyện Phú Thiện đã phê duyệt “Đề án liên kết sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025”. Mục tiêu của đề án là sản xuất ra nguồn lúa giống chủ lực, chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương với giá thành thấp và hướng tới cung cấp ra thị trường.
“Lỗ hổng” trong xây dựng thương hiệu gạo
Huyện Phú Thiện là trung tâm của cánh đồng lúa nước lớn nhất Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 6.200 ha. Đây là địa phương hội đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, yếu tố thời tiết nắng nóng với độ bức xạ nhiệt cao giúp hạt gạo Phú Thiện có chất lượng thơm ngon hàng đầu cả nước. Diện tích đất rộng lớn, tập trung, liền thửa là điều kiện thuận lợi để tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lúa lớn một giống. Ruộng đồng được cung cấp nguồn nước dồi dào từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ đảm bảo cho nông dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa ăn chắc. Cùng với đó, nông dân Phú Thiện cần cù và có kinh nghiệm lâu năm về sản xuất lúa nước. 
Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.T
Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.T
Từ năm 2012, Huyện ủy Phú Thiện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Hàng năm, địa phương ưu tiên nguồn từ ngân sách để hỗ trợ nông dân duy trì và nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống lên 1.200 ha. Đặc biệt, cuối năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện-Gia Lai” cho 3 loại lúa gạo sản xuất tại địa phương gồm: LH12, OM4900 và TBR225. Đây là cột mốc định danh “Gạo Phú Thiện” trên bản đồ lúa gạo cả nước; khẳng định quyền bảo hộ mặt hàng gạo Phú Thiện trên toàn quốc và mở ra cơ hội để gạo Phú Thiện vươn xa ra các thị trường lớn hơn. 
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi đó thì một “lỗ hổng” lớn trong quá trình xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” được chỉ ra là địa phương chưa sản xuất được nguồn lúa giống tại chỗ mà phải phụ thuộc vào nguồn giống mua từ bên ngoài, kể cả 3 loại lúa đã được cấp văn bằng bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện-Gia Lai”. Theo phân tích của PGS-TS. Nguyễn Văn Hoan (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thì với diện tích gieo trồng 2 vụ là hơn 12.000 ha, hàng năm, nông dân Phú Thiện đang sử dụng tổng cộng hơn 1.800 tấn lúa giống. Gần như toàn bộ lúa giống đều phải đi mua từ nơi khác do địa phương chưa sản xuất được. Điều này dẫn đến hệ lụy là chi phí sản xuất cao, không kiểm soát được chất lượng hạt giống, nhiều khi nông dân mua phải lúa giống không đảm bảo chất lượng dẫn đến hiệu quả sản xuất giảm.
Cánh đồng liền thửa rộng lớn là điều kiện thuận lợi để huyện Phú Thiện sản xuất lúa giống. Ảnh: Đ.P
Cánh đồng liền thửa rộng lớn là điều kiện thuận lợi để huyện Phú Thiện sản xuất lúa giống. Ảnh: Đ.P
Đồng quan điểm đó, ông Trần Mạnh Báo-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed-đơn vị hàng đầu cả nước về sản xuất lúa giống-cho rằng: Thương hiệu phải gắn với sản phẩm cụ thể. Huyện Phú Thiện muốn xây dựng thành công thương hiệu gạo thì điều quan trọng là phải có được giống lúa đặc sản, đặc trưng của riêng mình mà các địa phương khác không có. Cùng với đó, phải công khai, minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản… đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm.
Mở đường sản xuất lúa giống chất lượng cao
Để vá “lỗ hổng” mà các nhà khoa học chỉ ra, đầu tháng 5-2020, UBND huyện Phú Thiện đã ban hành “Đề án liên kết sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025”. Đơn vị thực hiện đề án là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Tổng diện tích lúa giống khoảng 80 ha; kinh phí thực hiện trong 5 năm là hơn 11 tỷ đồng, trong đó, dự kiến ngân sách nhà nước đầu tư hơn 10,4 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 750 triệu đồng. Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Mục tiêu của đề án là áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa giống nhằm tạo ra nguồn lúa giống chủ lực, chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng đủ giống tốt phục vụ sản xuất của địa phương với giá thành thấp và hướng tới cung cấp ra thị trường, qua đó tăng thu nhập cho nông dân.
Trước mắt, trong vụ mùa 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện sẽ liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) để sản xuất 12 ha lúa giống xác nhận LH12 và TBR225. Ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện-cho hay: Đơn vị sẽ liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty TNHH Tân Cường cung cấp lúa giống nguyên chủng TBR225 và LH12 cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với các viện nghiên cứu lúa, các ngành chức năng chuyển giao công nghệ sản xuất hạt giống theo quy trình sản xuất lúa giống do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định nhằm tiến tới đạt chuẩn, hợp quy để từng bước đưa lúa giống ra thị trường.
HTX Chư A Thai cung ứng lúa giống cho nông dân. Ảnh: Đ.P
HTX Chư A Thai cung ứng lúa giống cho nông dân. Ảnh: Đ.P
Kế hoạch sản xuất lúa giống chất lượng cao của huyện Phú Thiện đang triển khai là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp địa phương. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai-cho biết: “Trong vụ mùa tới, khi tham gia sản xuất lúa giống xác nhận, nông dân sẽ được tập huấn quy trình kỹ thuật, được hỗ trợ 100% lúa giống nguyên chủng và 50% các loại vật tư thiết yếu khác”.
Theo lộ trình sản xuất lúa giống, từ năm 2021, mỗi năm huyện Phú Thiện sẽ tăng lên 20 ha. Đến năm 2025, diện tích lúa giống sẽ đạt 80 ha, đáp ứng 45% nhu cầu lúa giống của bà con nông dân trong huyện. Để làm được điều đó, địa phương phải quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất lúa giống đảm bảo khử lẫn (không bị lẫn lộn lúa tạp vào trong lúa giống); xây dựng hệ thống kênh mương, đường nội đồng; đầu tư kho bãi, sân phơi để bảo quản lúa giống; đào tạo nâng cao năng lực quản lý, sản xuất lúa giống cho cán bộ kỹ thuật và tập huấn sản xuất cho bà con nông dân…
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.