Cơ giới hóa nông nghiệp tại Gia Lai: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau hơn 4 năm thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp theo Kế hoạch số 341/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

 

Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp

Ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) cho biết: “4 năm trước, tôi đầu tư hơn 250 triệu đồng mua 1 máy gặt đập liên hợp về làm dịch vụ trên cánh đồng Rừng Dầu (xã Chư Đang Ya). Máy hoạt động mỗi năm 2 vụ, góp phần đẩy nhanh khâu thu hoạch, giải phóng đất chuẩn bị gieo trồng vụ kế tiếp. Năm 2018, gia đình mua thêm 2 máy gặt đập để mở rộng phục vụ người dân trên một số cánh đồng lân cận”. Còn theo ông Nguyễn Minh Thiện (thôn 1, xã Nghĩa Hưng), trước đây, 1 sào đất lúa phải thuê 6-8 công lao động cuốc cả ngày mới xong; mùa gặt phải thuê 5-6 công, tốn khá nhiều tiền. “Giờ sản xuất lúa có máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, nông dân chỉ việc vận chuyển lúa về nhà phơi khô. Áp dụng cơ giới hóa, người dân chỉ mất hơn 600 ngàn đồng/sào từ khâu làm đất đến thu hoạch nên hiệu quả kinh tế cao hơn”-ông Thiện phân tích.

Hiện nay, 100% diện tích mía ở huyện Đak Pơ đã được áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất.   Ảnh: Đ.T
Hiện nay, 100% diện tích mía ở huyện Đak Pơ đã được áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất. Ảnh: Đ.T



Tại huyện Phú Thiện, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cho biết: 210 ha lúa của Hợp tác xã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc đến thu hoạch từ nhiều năm nay. Việc cơ giới hóa giúp giảm 20-30% công lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, các công đoạn được rút ngắn thời gian. Còn tại Đak Pơ, theo ông Huỳnh Văn Hơn-Phó Chủ tịch UBND huyện: “Đak Pơ là vùng đất thuần nông nên huyện rất chú trọng đến vấn đề cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Hiện 97% diện tích lúa, 100% diện tích mía, 96% diện tích mì, 100% diện tích rau màu đều áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đã giúp giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng lên. Điển hình như trên cây mía, khi áp dụng cơ giới hóa đồng bộ theo mô hình cánh đồng lớn, năng suất tăng từ 60 tấn/ha lên 70-80 tấn/ha”.

Bên cạnh các hộ nông dân, hợp tác xã, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Ông Hoàng Trọng Tịnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai-cho biết: Những năm trước, bình quân mỗi vụ, Công ty đầu tư trên 20 tỷ đồng để liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng nguyên liệu mía mua máy cày đất, máy làm cỏ, máy bón phân, máy thu hoạch công suất lớn về phục vụ sản xuất. Việc áp dụng cơ giới hóa khâu cày đất đã đảm bảo độ sâu giúp cây mía chống được hạn; máy thu hoạch lớn giúp giảm công lao động bốc mía. Điển hình như niên vụ 2019-2020, dù nắng hạn kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất mía nhưng nhờ cơ giới hóa các khâu nên năng suất bình quân đạt 61 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha so với diện tích không áp dụng cơ giới hóa. Nếu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, năng suất mía sẽ tăng thêm 10%, lợi nhuận tăng thêm 10-20 triệu đồng/ha.

Gia Lai là tỉnh có đất đai rộng, khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng như: lúa nước, mía, bắp, mì, đậu đỗ, cà phê, cao su, hồ tiêu và cây ăn quả. Tuy nhiên, do tập quán canh tác thủ công, nhỏ lẻ nên năng suất, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Khắc phục hạn chế này, trên cơ sở Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 341/KH-UBND về thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 369/QĐ-UBND về kế hoạch hành động thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu 2016-2020”. Đến nay, toàn tỉnh có 226.678 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản; trong đó có khoảng 225.800 máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Số máy móc trên đã giúp tỷ lệ cơ giới hóa quá trình sản xuất lúa nước, bắp, mì, mía... đạt trên 85%; trên cây công nghiệp dài ngày đạt 82%; phục vụ tưới nước chủ động trên 65%... Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Cơ giới hóa góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp qua từng năm. Đơn cử như giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 của tỉnh đạt 28.521 tỷ đồng (tăng 5,29% so với năm 2018), trong đó, nông nghiệp tăng 5,1%”.

Khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn một cách tổng thể, việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được triển khai mạnh và chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu sản xuất. Điển hình như cơ giới hóa khâu gieo trồng các loại cây ngắn ngày chỉ đạt khoảng 9,8%; khâu chăm sóc đạt khoảng 26,3%; tưới nước đạt 27,1%; thu hoạch đạt 25%... Còn với cây công nghiệp dài ngày thì tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch chỉ đạt khoảng 8,3%.

Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) đưa cơ giới vào sản xuất rau màu. Ảnh: N.D
Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) đưa cơ giới vào sản xuất rau màu. Ảnh: N.D



Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-nhìn nhận: Quá trình thực hiện cơ giới hóa trên địa bàn huyện chủ yếu ở khâu làm đất, vận chuyển cây trồng ngắn ngày. Còn với cây công nghiệp dài ngày, việc cơ giới hóa gặp khó khăn do địa hình đồi dốc, diện tích đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho rằng: “Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của huyện đạt cao ở khâu làm đất, vận chuyển; các khâu còn lại đạt thấp do ruộng đồng manh mún, địa hình không bằng phẳng nên máy móc hoạt động khó khăn. Bên cạnh đó, vốn đầu tư mua máy móc lớn nên phần lớn người dân thuê của các hộ làm dịch vụ”.

Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Những năm gần đây, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan; số lượng máy móc không ngừng tăng và đa dạng về chủng loại. Dù vậy, việc đầu tư máy móc, trang-thiết bị phục vụ sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn. Một số loại máy móc có giá trị cao nên người dân khó tiếp cận. Hầu hết các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích đất sản xuất nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa mà chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn và trang trại. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa cũng chưa đủ mạnh”.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đa dạng danh mục máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như nâng mức hỗ trợ chương trình cơ giới hóa nông nghiệp để phát huy hiệu quả cao nhất. Ảnh: Nguyễn Diệp
Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đa dạng danh mục máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như nâng mức hỗ trợ chương trình cơ giới hóa nông nghiệp để phát huy hiệu quả cao nhất. Ảnh: Nguyễn Diệp



Theo ông Y Nguyên, thời gian tới, Chi cục tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 341/KH-UBND của UBND tỉnh, phấn đấu đến cuối năm nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 95%, khâu chăm sóc đạt 80%, tưới chủ động đạt 50-90%... Bên cạnh đó, tập trung hợp tác, liên kết áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã; lồng ghép các chương trình, chính sách trong áp dụng cơ giới hóa. Đặc biệt, hàng năm, ngành tổ chức đánh giá lại hiệu quả kinh tế về cơ giới hóa. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cần đa dạng danh mục máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như nâng mức hỗ trợ chương trình cơ giới hóa nông nghiệp để phát huy hiệu quả cao nhất.

 NGUYỄN DIỆP



 

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.