Nguy cơ phát tán bệnh khảm lá mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, nhiều người dân ở huyện Krông Pa vẫn lấy hom giống mì ngay trong vùng dịch hoặc mua bán, trao đổi và di thực giống mì từ các địa phương khác về khiến bệnh khảm lá vi rút có nguy cơ lây lan diện rộng.

 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, năm 2019, tổng diện tích mì trên địa bàn huyện khoảng 20.000 ha, trong đó có 1.508,2 ha bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút tập trung tại các xã: Ia Rsươm, Chư Drăng, Chư Ngọc, Phú Cần, Chư Rcăm. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Vi rút gây bệnh khảm lá mì thường tồn tại trong thân, lá và củ mì. Khi người dân sử dụng thân cây mì bị nhiễm bệnh làm giống cho vụ sau thì vi rút sẽ làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm. Còn bọ phấn trắng là tác nhân phát tán mầm bệnh khi chúng chích hút cây mì bị nhiễm bệnh rồi từ vùng dịch theo chiều gió bay đến các vùng không bị bệnh và gây hại.

 Cây mì sau khi thu hoạch được người dân mang về để làm giống trồng vụ sau. Ảnh: H.P
Cây mì sau khi thu hoạch được người dân mang về để làm giống trồng vụ sau. Ảnh: H.P



“Hiện tại, người dân đã thu hoạch phần diện tích mì bị bệnh khảm lá năm 2019. Dự kiến năm 2020, diện tích mì trên địa bàn huyện đạt khoảng 22.000 ha. Nếu bà con tiếp tục lấy hom giống từ các cây mì đã bị bệnh thì nguy cơ phát tán mầm bệnh rất cao, gây thiệt hại nặng cho vụ mì tiếp theo”-ông Duyên cho biết thêm.

Krông Pa là vùng chuyên canh mì lớn nhất tỉnh. Do vậy, nhu cầu nguồn giống rất lớn và người dân thường có thói quen sau khi thu hoạch thì lấy hom giống mì tại chỗ để sản xuất vụ sau. Nguy cơ lấy phải hom giống mì bị nhiễm bệnh để trồng vì vậy là rất cao. Ông Lê Quang Sáng-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Mlah-cho biết: Sau khi thu hoạch, cây mì rụng hết lá nên rất khó để phân biệt cây nào bị bệnh, cây nào không. Nhiều người mua giống trôi nổi trên thị trường nên rất dễ gặp giống bị nhiễm bệnh từ vùng có dịch.

Cũng theo ông Sáng, trên địa bàn xã Ia Mlah vẫn còn tình trạng mua bán, di thực giống mì từ vùng có dịch sang vùng không có dịch hoặc từ các địa phương ngoài tỉnh đưa về. Năm 2018, lần đầu tiên trên địa bàn xã Ia Mlah ghi nhận bệnh khảm lá vi rút trên cây mì. Qua nắm bắt thông tin, ngành chức năng xác định nguồn bệnh xuất phát từ việc một số hộ dân mua hom giống mì HL-S11 ở tỉnh Tây Ninh về. Đây là giống mì có sức kháng bệnh rất thấp, khi bị bệnh thì phát tán mầm bệnh rất nhanh.

Cây mì được vận chuyển từ vùng nàyđến vùng khác nguy cơ phát tán bệnh là rất cao. Ảnh: Hà Phương
Cây mì được vận chuyển từ vùng nàyđến vùng khác nguy cơ phát tán bệnh là rất cao. Ảnh: Hà Phương



Từ khi phát hiện bệnh khảm lá vi rút trên cây mì, ngành chức năng huyện Krông Pa đã khuyến cáo nông dân không sử dụng các hom giống ở khu vực bị bệnh để làm giống, không vận chuyển cây mì từ vùng có bệnh sang các vùng khác; tuyệt đối không sử dụng hom giống mì HL-S11 để trồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên chọn giống mì KM94 ít bị nhiễm bệnh và chuyển đổi những diện tích mì bị nhiễm bệnh sang trồng các loại cây khác như: bắp, đậu... trong thời gian ít nhất là 1 năm.

Tuy nhiên, bất chấp khuyến cáo, tình trạng mua bán, di thực hom giống mì trên địa bàn huyện Krông Pa vẫn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Là thương lái chuyên cung cấp giống mì cho nông dân, anh Đàm Văn Úy (tổ 15, thị trấn Phú Túc) cho biết, mỗi ngày anh bán chừng vài trăm bó cây giống. Nguồn giống được lấy từ huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), không biết là giống mì gì, có bị bệnh hay không. Với chiếc xe ô tô tải 5 tấn, hàng ngày, anh chở giống đi bán trong huyện và cả các địa phương khác như: Ia Pa, Ayun Pa, Kông Chro.

Ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho rằng: “Giải pháp trước mắt là tăng cường thông tin, tuyên truyền để cán bộ, người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ về tác hại lâu dài của bệnh khảm lá mì. Huyện cũng khuyến cáo hộ kinh doanh tìm mua nguồn giống mì sạch bệnh, có địa chỉ rõ ràng, tin cậy để cung cấp cho người dân. Vào đầu vụ gieo trồng, các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý điểm mua bán cây giống không rõ nguồn gốc để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xảy ra”. Cũng theo ông Khanh, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có giống mì kháng bệnh khảm lá vi rút. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn tỉnh thì giống mì HL-S11 bị nhiễm bệnh rất nặng; giống KM419, KM140, KM98-5 mức độ nhiễm trung bình và giống KM94 nhiễm nhẹ.

 

 Hà Phương

 

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.