Krông Pa: Vụ Đông Xuân thắng lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Krông Pa đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp chống hạn cho cây trồng. Nhờ đó, cây trồng phát triển ổn định, năng suất đạt cao hơn so với vụ Đông Xuân 2018-2019.
Theo thống kê, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn huyện Krông Pa gieo trồng được hơn 12.000 ha, đạt 119% kế hoạch. Trong đó, lúa 1.950 ha, bắp 417 ha, mì 1.450 ha, khoai lang 340 ha, đậu các loại 1.210 ha, rau các loại 2.983 ha, thuốc lá 2.012 ha, mía 700 ha... Đến nay, người dân đã cơ bản thu hoạch xong vụ Đông Xuân, năng suất một số cây trồng đạt cao hơn so với năm trước. Cụ thể, năng suất lúa bình quân đạt hơn 4,6 tấn/ha (cao hơn 1-2 tạ/ha), cây thuốc lá đạt hơn 2,5 tấn/ha (cao hơn khoảng 3 tạ/ha), bắp đạt hơn 2,4 tấn/ha (cao hơn khoảng 2 tạ/ha), rau, củ quả đạt 9 tấn/ha...
Cây thuốc lá của gia đình ông Nguyễn Văn Phương (buôn Ka Tô, xã Chư Gu) phát triển rất tốt. Ảnh: L.N
Cây thuốc lá của gia đình ông Nguyễn Văn Phương (buôn Ka Tô, xã Chư Gu) phát triển rất tốt. Ảnh: L.N
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Điều đáng mừng là toàn bộ diện tích cây trồng vụ Đông Xuân không bị thiếu nước tưới. Để có được kết quả đó, ngay từ đầu vụ, Phòng đã tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phân khai cụ thể kế hoạch sản xuất; hướng dẫn nhân dân tranh thủ độ ẩm của đất để xuống giống tập trung và sớm hơn mọi năm 15-20 ngày. Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cũng đã chủ động xây dựng lịch điều tiết nước, thực hiện đúng lịch tưới nên không xảy ra thiếu nước tại các khu vực có công trình thủy lợi. Đối với các diện tích không đủ nước tưới, huyện khuyến cáo người dân chủ động chuyển sang trồng bắp, cỏ chăn nuôi như tại cánh đồng Ia Hdreh là 112,2 ha, cánh đồng buôn Ma Giai (xã Đất Bằng) 25 ha. Riêng đối với những diện tích cây trồng cạn như dưa hấu, thuốc lá, rau, đậu, cỏ, người dân đã chủ động sử dụng máy bơm để lấy nước từ các sông, suối, kênh mương về tưới.
Vụ Đông Xuân năm nay, toàn xã Chư Gu xuống giống được 600 ha cây trồng các loại, trong đó nhiều nhất là cây thuốc lá với 350 ha, lúa nước 120 ha... Nhờ hệ thống kênh mương được hoàn thiện nên nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia Mlah được đưa về tận cánh đồng Kơ Za, giúp người dân chủ động sản xuất. Cánh đồng Kơ Za có diện tích khoảng 91 ha. Đến nay, người dân đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân. Chị Kpă H’Jơn (buôn Chư Bang) cho biết: “Nhờ có hệ thống kênh mương dẫn nước từ thủy lợi Ia Mlah về nên 3 sào lúa của gia đình thu được hơn 20 bao; 1 ha thuốc lá thu được 3 tấn. Với giá thuốc lá nguyên liệu hiện nay khoảng 53.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 50 triệu đồng”. Cùng chung niềm vui khi cây thuốc lá năm nay vừa được mùa, vừa được giá, ông Nguyễn Văn Phương (buôn Ka Tô) cho hay: Nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước ở sông Ba đảm bảo nên hơn 1 ha cây thuốc lá của gia đình tôi phát triển rất tốt, không bị sâu bệnh hại. Gia đình vừa thu hoạch được hơn 3 tấn lá thuốc và đang tiến hành sấy khô. “Với giá thuốc lá nguyên liệu hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi lãi gần 60 triệu đồng”-ông Phương vui vẻ nói.
Người dân huyện Krông pa thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020. Ảnh: L.N
Người dân huyện Krông pa thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020. Ảnh: L.N
Đánh giá về hiệu quả vụ Đông Xuân 2019-2020, ông Nguyễn Văn Tuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu-cho hay: “Ngay từ đầu vụ, UBND xã phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah để thống nhất lịch cấp nước cho các cánh đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhờ đó, năng suất một số cây trồng đạt rất cao, điển hình như cây thuốc lá đạt trung bình khoảng 4 tấn/ha (tăng hơn 30% so với vụ trước), cây lúa nước đạt 3,5 tấn/ha (tăng khoảng 3 tạ/ha). Hiện giá thuốc lá nguyên liệu đang dao động ở mức 53.000-55.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng thuốc lá sau khi trừ chi phí có lợi nhuận 60-80 triệu đồng/ha”.
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: “Để tiếp tục chuẩn bị sản xuất vụ mùa 2020, huyện khuyến cáo đối với cây trồng cạn như bắp, đậu các loại, mì, khoai lang, mè, người dân sau khi thu hoạch xong vụ Đông Xuân thì tiến hành làm đất, gieo trồng ngay khi đất còn đủ độ ẩm để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra ở cuối vụ. Còn đối với cây lúa nước, người dân sẽ gieo sạ tập trung theo lịch tưới cụ thể của Ban Quản lý Khai thác công trình thủy lợi huyện và Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah”.
Trên địa bàn huyện Krông Pa có 9 công trình thủy lợi, trong đó, huyện quản lý 8 công trình (3 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 trạm bơm điện). Tổng diện tích tưới theo năng lực thiết kế là 4.662 ha gồm: 1.950 ha lúa, 2.712 ha cây công nghiệp ngắn ngày. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Nhờ chủ động xây dựng phương án, sắp xếp lịch điều tiết nước hợp lý và triển khai nạo vét kênh mương, xử lý kênh bị bồi lấp, hư hỏng... nên các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, người dân đã khai thác tốt diện tích thuộc khu tưới của hồ thủy lợi Ia Mlah, Chư Gu, khu tưới tự bơm nước tại xã Krông Năng, Ia Rmok để mở rộng diện tích sản xuất. Hiện nay, trình độ thâm canh cây lúa nước của người dân cũng đã nâng lên nhờ được tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình mẫu... do đó năng suất lúa ngày càng tăng. 
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.