Hỗ trợ phụ nữ bán rau quả qua Facebook

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các điểm họp chợ tự phát bị cấm tụ tập buôn bán nên nhiều chị em trồng rau, củ, trái cây… ở phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm. Trước thực tế trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường đã lập nhóm Facebook, kết nối để hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp chị em trong mùa dịch.
Bà Trần Thị Thu Huyền-Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi-cho biết: Trên địa bàn phường có một vài điểm chợ tự phát nhỏ lẻ, là nơi bà con người Jrai và một số chị em mưu sinh bằng việc đem bán nông sản do gia đình tự sản xuất. Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về đợt cao điểm phòng-chống dịch Covid-19, các điểm chợ tự phát tạm ngừng hoạt động. Do đó, nhiều loại rau củ đến ngày thu hoạch không bán được, vừa lãng phí và ảnh hưởng đến nguồn thu gia đình. Do vậy, Hội LHPN phường đã có ý tưởng lập nhóm Facebook “Nông sản sạch của phụ nữ phường Thắng Lợi” để kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp chị em.
Giàn bầu hồ lô sạch của gia đình chị Ksor H’Khoai tìm được đầu ra nhờ rao bán trên Facebook. Ảnh: H.L
Giàn bầu hồ lô sạch của gia đình chị Ksor H’Khoai tìm được đầu ra nhờ rao bán trên Facebook. Ảnh: H.L
Chỉ sau vài ngày lập nhóm, số lượng tham gia đã lên đến vài trăm người. Bà Huyền phấn khởi nói: “Chúng tôi đã hỗ trợ 2 nhà vườn tiêu thụ khoảng 2.000 trái bắp, một lượng lớn rau xanh và “giải cứu” cho 1 trường hợp nhập khoai lang về phân phối đi các tỉnh nhưng xe liên tỉnh bị dừng hoạt động. Thậm chí có lúc 2 chị em quản trị nhóm không kịp tương tác trước nhu cầu đặt mua, bán sản phẩm”.
Hiện tại, các mặt hàng rao bán trên nhóm rất phong phú, từ rau xanh (rau cải, rau dền, mướp, khổ qua, bí xanh, bầu…), trái cây (bơ, mít, vú sữa...) đến bánh rau câu, bánh trôi, bánh cuốn, ruốc thịt chà bông… phục vụ các bữa ăn nhẹ; hay các món ẩm thực đặc sản như: chả ram tôm đất, thịt kho giả cầy, gà nướng, cơm lam, thịt xiên que nướng, lòng đắng lá mì… “Giá cả phục vụ đều giữ mức như ngày thường. Rau xanh các loại không quá 10 ngàn đồng/kg, gà nướng 220 ngàn đồng/con, cơm lam 20-30 ngàn đồng/ống dài… Đặc biệt, để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng nông sản, thực phẩm cũng như uy tín của Hội, trước khi duyệt đăng bán, tôi hoặc chị Phó Chủ tịch Hội LHPN phường đều xuống tận vườn hoặc đến nhà xem quy trình sản xuất, chế biến”-bà Huyền cho biết thêm. 
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thắng Lợi (bìa phải) khảo sát vườn rau xanh trên địa bàn. Ảnh: H.L
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thắng Lợi (bìa phải) khảo sát vườn rau xanh trên địa bàn. Ảnh: H.L
Tham gia nhóm Facebook “Nông sản sạch của phụ nữ phường Thắng Lợi”, chị Ksor H’Khoai (làng Chuét 1) vui mừng: “Trước đây, người nhà mình mang rau đi bán ở chợ tự phát phường Thắng Lợi. Nay không bán được, chi tiêu trong gia đình gặp khó khăn. Từ khi có nhóm, chị em đã nối lại được phần nào việc tiêu thụ, tránh để rau quá lứa gây thiệt hại”. Tương tự, chị Bùi Thị Thu-chủ một tiệm bánh mì nhỏ gần khu vực chợ Thắng Lợi cũng chia sẻ: “Tôi tranh thủ mua thịt heo làm chà bông bán để kiếm thêm thu nhập. Nhờ hội nhóm nên chị em quanh đây biết đến và mua ủng hộ, gia đình cũng đỡ khó khăn”.
Thông thường, khi nhận được đơn hàng, quản trị nhóm sẽ nhắn tin báo số lượng, địa điểm cho người bán để giao hàng. Đa phần khách hàng sẽ được miễn phí ship, trừ trường hợp khách ở quá xa. “Lâu nay, các chị em hầu như chỉ quen với việc tự đem ra chợ bán hoặc bán nguyên vườn cho thương lái. Nhiều người không biết dùng điện thoại thông minh, chưa từng bán hàng qua mạng… Do đó, có trường hợp nhận đơn hàng xong, chị em tôi phải chạy xe xuống tận nhà, ghi rõ ra giấy các đơn hàng để chủ vườn khỏi sót đơn, sai đơn của khách. Cũng có nhiều chị không thông thạo đường sá để ship hàng, chúng tôi phải hỗ trợ thêm. Khá vất vả nhưng bù lại chúng tôi rất vui vì đã giúp được họ, thấy mọi người xích lại gần nhau hơn trong lúc dịch bệnh”-Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi tâm sự.
Cũng theo bà Huyền, trước mắt, Hội LHPN hỗ trợ chị em tiêu thụ sản phẩm. Sau đó, Hội sẽ tính đến việc liên kết để sản xuất, tiêu thụ rau, chủ yếu là hướng dẫn để điều tiết trong canh tác, tránh trồng quá nhiều một vài loại khiến giá giảm, lợi nhuận thấp. 
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.