An Khê: Trồng rau kết hợp nuôi dế cho thu nhập khá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, 2 hộ dân ở thị xã An Khê đã tận dụng nguồn rau xanh và cỏ trong vườn để nuôi dế thương phẩm mang lại thu nhập khá. Từ thành công đó, Hội Nông dân thị xã đã có hướng để nhân rộng mô hình này trên địa bàn.

 

Trại dế rộng gần 100 m2 của gia đình chị Phan Thị Kim Chi (tổ 3, phường Tây Sơn) nằm giữa vườn rau xanh mướt. Trong không gian yên tĩnh, thoáng mát, tiếng dế kêu rả rích. Nhanh tay bỏ từng nắm rau, cỏ non cho dế ăn, chị Chi cho hay: “Mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, tôi cho dế ăn. Ngoài các loại rau xanh, cỏ, tôi còn bổ sung cám tổng hợp xay mịn cho dế. Sau khi cho dế ăn, tôi phun nước tạo độ ẩm, cũng là nguồn nước uống cho dế. Nhờ đảm bảo nguồn dinh dưỡng và các vi chất nên đàn dế sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn”.

 Chị Phan Thị Kim Chi (tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho dế ăn. Ảnh: N.M
Chị Phan Thị Kim Chi (tổ 3, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho dế ăn. Ảnh: N.M



Chị Chi kể, trước đây, gia đình chị nuôi rắn mối. Để tạo nguồn thức ăn cho rắn mối, chị mua giống dế Thái Lan về nuôi. Thấy nuôi dế không đòi hỏi kỹ thuật cao, ít tốn công chăm sóc, mức đầu tư ban đầu thấp và dễ tiêu thụ, đầu năm 2018, chị chuyển hẳn sang nuôi dế thương phẩm. Để tạo môi trường cho dế sinh trưởng phát triển, chị thuê 2 sào đất cách xa khu dân cư vừa trồng rau vừa nuôi dế. Trong đó, chị dành gần 100 m2 xây trại với 22 chuồng nuôi; còn lại trồng các loại rau để bán và làm thức ăn cho dế. “Bên cạnh tiền bán rau, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ việc bán dế thương phẩm”-chị Chi chia sẻ.

Nhận thấy mô hình trồng rau kết hợp nuôi dế mang lại hiệu quả kinh tế khá, đầu năm 2019, ông Lê Văn Tiến (tổ 6, phường An Bình) đã chuyển hơn 100 m2 đất trong 6 sào ruộng chuyên trồng rau sang xây trại nuôi dế. Theo ông Tiến, nuôi dế khá nhàn. Mỗi ngày, ông dành khoảng 30 phút chăm sóc, cho dế ăn, thời gian còn lại trồng rau, nuôi gà. Thức ăn của dế chủ yếu là rau, cỏ, các loại bột bắp, cám gạo và bổ sung cám tổng hợp để đảm bảo nguồn dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho dế. Trong điều kiện thời tiết mùa hè, dế nuôi khoảng 30 ngày là có thể xuất bán; mùa đông dế chậm lớn nên thời gian nuôi chừng 45-50 ngày. Dế thương phẩm ngoài bán trên địa bàn thị xã An Khê còn tiêu thụ ở các tỉnh như Bình Định, Đak Lak, Kon Tum… “Mỗi ngày, gia đình tôi bán trên 7 kg dế với giá 60-130 ngàn đồng/kg tùy loại. Nhờ nuôi dế mà gia đình có nguồn tiền chi tiêu, tái đầu tư cho việc chăn nuôi, trồng trọt”-ông Tiến cho hay.

Ông Nguyễn Công Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê-cho biết: Trên địa bàn thị xã có 2 hộ nuôi dế kết hợp với trồng rau. Nuôi dế dễ, không mất nhiều công chăm sóc, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, nguồn thức ăn sẵn có… từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

“Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thị xã xác định rau là một trong những cây trồng chủ lực. Đến nay, toàn thị xã có hơn 2.000 ha đất trồng rau với sản lượng hàng năm đạt trên 46.000 tấn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình trồng rau kết hợp nuôi dế. Do đó, thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho các hội viên có nhu cầu đến tham quan học hỏi; đồng thời phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ về mặt kỹ thuật nuôi dế, định hướng đầu ra, cách chế biến, đóng gói bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm dế thương phẩm; tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình”-ông Tuấn thông tin thêm.

 

 NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.