"Sống khỏe" nhờ ươm rau giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với hơn 5 sào vườn ươm rau giống, gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Rau giống của gia đình ông không chỉ cung ứng cho nông dân các địa phương trong tỉnh mà còn xuất bán ra ngoài tỉnh.


Gia đình ông Hưng theo nghề trồng rau đã lâu năm. Tuy nhiên, trước đây, cứ mỗi khi đến vụ sản xuất, ông lại phải chạy đôn chạy đáo tìm mua rau giống. Giá rau giống thì đắt mà chất lượng nhiều khi không đảm bảo. Vì vậy, năm 2006, ông đã chuyển 1 sào đất trồng rau sang làm vườn ươm rau giống các loại như: cải, xà lách, su hào, súp lơ, cà chua, ớt… nhằm phục vụ nhu cầu của gia đình và cung ứng cho các hộ dân lân cận.

 Vườn ươm rau giống của ông Nguyễn Văn Hưng. Ảnh: Q.T
Vườn ươm rau giống của ông Nguyễn Văn Hưng. Ảnh: Q.T



Ông Hưng cho biết: “Sau khi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng rau ở nhiều nơi, nhất là ở Đà Lạt, tôi thấy mô hình ươm rau giống rất hay, hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, năm 2006, tôi vay vốn ngân hàng làm nhà lồng rộng khoảng 1 sào để ươm thử nghiệm các giống rau mà gia đình thường trồng như: su hào, súp lơ, ớt, xà lách… Thấy hiệu quả kinh tế cao, rau giống sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng nên tôi mở rộng dần diện tích vườn ươm. Đến nay, tổng diện tích vườn ươm của gia đình đã lên đến hơn 5 sào”.  

Theo ông Hưng, nghề ươm rau giống đòi hỏi tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt từ lúc làm đất, xuống giống cho đến khi xuất bán. Đất ươm rau được cho vào máy để nghiền nhỏ, mịn, tơi xốp trước khi cho vào khay ươm. Hạt giống được lấy tại đại lý cấp 1 nhằm đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao, chống được sâu bệnh… Các khâu chăm sóc khác như tưới nước giữ ẩm, bón phân và theo dõi phòng trừ sâu bệnh cũng được tiến hành thường xuyên và khá tỉ mỉ. Ngoài ra, nhờ áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật như sử dụng máy móc để trộn đất, ươm hạt giống, tưới nước… nên chi phí sản xuất giảm.

Ông Hưng đang kiểm tra sự phát triển của giống cà gai leo trước khi xuất cho nhà vườn. Ảnh: Quang Tấn
Ông Hưng đang kiểm tra sự phát triển của giống cà gai leo trước khi xuất cho nhà vườn. Ảnh: Quang Tấn



“Để làm một vườn ươm đạt chuẩn thì kinh phí đầu tư ban đầu khá cao, gồm tiền làm nhà lồng, hệ thống tưới nước tự động, máy móc, thiết bị… Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm khá ổn định do mình ươm giống theo đơn đặt hàng của nông dân. Ngoài ra, mô hình sản xuất này không phụ thuộc vào thời tiết, mưa nắng đều làm được nên có thể sản xuất rau giống quanh năm. Thông thường, rau giống sau khi ươm từ 25 đến 35 ngày có thể xuất bán. Hiện vườn ươm rau giống của gia đình không chỉ cung cấp giống cho nông dân khu vực phía Đông tỉnh, TP. Pleiku, huyện Mang Yang mà còn bán cho người trồng rau ở tỉnh Bình Định. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu được 450-500 triệu đồng”-ông Hưng chia sẻ. Ngoài ra, vườn ươm của gia đình ông Hưng cũng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: Toàn huyện hiện có khoảng 6.600 ha rau các loại, chiếm 30% diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Vì vậy, mô hình ươm rau giống của ông Hưng là rất cần thiết. Vườn ươm không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Hưng mà còn góp phần cung cấp giống rau quả các loại chất lượng cho nông dân trên địa bàn sản xuất.

 

 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.