Ngành cà-phê lao đao vì dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngành cà-phê ở Tây Nguyên cũng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 khi thị trường tiêu thụ đình trệ, giá cà-phê xuống thấp giờ còn lao dốc với mức giá thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đây là vùng có diện tích cà-phê lớn nhất cả nước với gần 540.000ha. Điều đó khiến cả người nông dân cũng như doanh nghiệp lao đao.
 

Các sản phẩm cà-phê xuất khẩu gặp khó khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Các sản phẩm cà-phê xuất khẩu gặp khó khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.


Vụ cà-phê vừa qua, gia đình ông Lê Văn Tình (TT Ia Kha, H. Ia Grai, Gia Lai) thu được 2,5 tấn cà-phê nhân từ 1ha rẫy. Trước Tết Âm lịch, ông đã bán 1,5 tấn để trả nợ phân bón, chi tiêu gia đình, số còn lại ông chờ giá cà-phê tăng lên. Thế nhưng, càng chờ giá cà-phê càng lao dốc, không thể chờ khi cần nguồn tiền để tái đầu tư vụ mới, ông Tình buộc phải bán số cà-phê còn lại với giá 30.000 đồng/kg. Ông Tình chia sẻ: “Giá cà-phê như hiện nay thì người dân thiệt hại nhiều lắm! Trong khi đó, giá phân bón, vật tư, nhân công cái gì cũng cao, các chi phí khác cũng cao hết mà giá cà-phê lại giảm. Cứ đà này chắc phải bán rẫy chứ làm tiếp thì lỗ tiếp thôi!”.

Ngay trên địa bàn H. Ia Grai, Cty xuất khẩu nông sản Tây Nguyên – một trong những Cty lớn về kinh doanh, xuất khẩu cà-phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đang hết sức khó khăn. Theo ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Cty thì giá cà-phê đang sụt giảm nghiêm trọng, hiện chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn so với giá thành 32.000 – 33.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều hộ dân hạn chế, cầm cự không bán cà-phê cho các đơn vị thu mua, điều đó khiến các Cty thiếu nguồn cung cho xuất khẩu.

Việc giá cà-phê liên tục sụt giảm, hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây, đã khiến nông dân không còn mặn mà với loại cây từng đem lại nguồn lợi lớn cho Tây Nguyên những năm trước. Xu hướng chặt bỏ cà-phê thay thế bằng các loại cây trồng khác diễn ra trong nhiều năm qua. Theo ông Nguyễn Minh Đường, với tình hình như hiện nay, các DN xuất khẩu nói riêng và ngành cà-phê sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Thế nên, để ổn định vùng nguyên liệu, DN cần phải chú trọng hỗ trợ cho nông dân để cùng vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. “Với mức giá thấp kỷ lục thế này người trồng cà-phê không có lãi. Tình hình này, chính sách của chúng tôi là cho các hộ sản xuất cà-phê ứng trước tiền để đủ điều kiện chăm bón vườn cây và đảm bảo cuộc sống gia đình. Chúng tôi cho ứng 70% giá trị hàng hóa của người nông dân, khi giá phục hồi, đảm bảo có lãi thì người dân bán”, ông Đường chia sẻ.

Với DN xuất khẩu cà-phê lớn nhất nhì cả nước, ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc Cty XNK cà-phê 2-9 Đăk Lăk (Semexco) cho biết, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Châu Âu khiến cho thị trường xuất khẩu chính của đơn vị bị đình trệ. Dù trong quý I năm nay, DN đã ký các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài khối lượng 30.000 tấn cà-phê nhưng dịch diễn biến phức tạp khiến các đối tác ngừng nhập hàng. Với mức giá cà-phê giảm sâu trong khi các hợp đồng mới tại Châu Âu không ký được, chúng tôi tìm đến các thị trường khác nhưng tình hình cũng không khả quan bao nhiêu.

Ông Hùng kiến nghị: “Thị trường Châu Âu là thị trường tiêu thụ lớn của chúng tôi nhưng dịch bệnh kéo dài, diễn biến phức tạp khiến thị trường này gần như đóng băng. Không phải chỉ riêng tại Đăk Lăk mà cả ngành cà-phê vùng Tây Nguyên này bị thua lỗ. Trước tình hình khó khăn này, Chính phủ nếu hỗ trợ thì hỗ trợ cho nông dân vay một mức lãi ưu đãi tương đối để nông dân có vốn đầu tư. Đồng thời, cần quản lý tốt một số khâu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư sản xuất, tránh vật tư giả, kém chất lượng làm thiệt hại đến năng suất cây trồng của nông dân”.

Cà-phê là một trong những loại nông sản chủ lực của tỉnh Đăk Lăk và là một trong những loại nông sản bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19 khi phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ nước ngoài như: Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ. Điều đó khiến việc xuất khẩu cà phê của các DN Đăk Lăk gần như tê liệt. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có tỉnh Đăk Lăk và đặc biệt là ngành cà-phê. Chính quyền địa phương kiến nghị với Chính phủ cần sớm có những hỗ trợ về lãi suất, tín dụng đối với các đơn vị đang triển khai những hợp đồng xuất khẩu gặp khó khăn hoặc người sản xuất, chế biến đang gặp khó khăn. Điều đó là động lực lớn để người nông dân, DN duy trì sản xuất ổn định”.

Niên vụ 2018-2019 được xem là bĩ cực của ngành cà-phê Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung khi giá xuống thấp, kim ngạch XK giảm sâu. Nhiều hy vọng được thắp lên khi nhiều chuyên gia, nhà XK dự báo và hy vọng niên vụ này sẽ khởi sắc. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thị trường xuất khẩu, giá cà-phê tiếp tục giảm mức thấp nhất trong 10 năm qua. Giờ này, cả nông dân và DN trong ngành cà-phê đang trông chờ những chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước để tiếp tục ổn định sản xuất.

Theo MINH TÂN (cadn)

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.