Nỗ lực hoàn thành nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc chấp hành kê khai, nộp tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của các cơ sở thủy điện, nước sạch; khai thác tốt nguồn thu mới từ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, phối hợp với các sở, ngành liên quan cụ thể hóa chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 156/NĐ-CP của Chính phủ để làm căn cứ thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lương Đình Trọng-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: Năm 2019, đơn vị đã thu đủ số tiền DVMTR thực tế phát sinh là 101 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu này chỉ đạt 75% so với kế hoạch. Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài, nguồn nước suy giảm mạnh nên lượng điện, nước thương phẩm của các cơ sở sử dụng DVMTR giảm. Mặt khác, số thu đăng ký kế hoạch nộp tiền đầu năm của các cơ sở thủy điện nội tỉnh và số thu dự kiến điều phối từ các cơ sở thủy điện liên tỉnh của Quỹ Trung ương năm 2019 tương đối cao (65/95 tỷ đồng, chiếm 68%). Tuy vậy, kết quả này không ảnh hưởng quá nhiều đến việc thực hiện các nhiệm vụ chi theo kế hoạch đã được duyệt, bởi phần sụt giảm này đã được bổ sung bởi số thu vượt trên 27,4 tỷ đồng của năm 2018 chuyển sang chi trả và sử dụng trong năm 2019.
  Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.N
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ký hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.N
Năm qua, Quỹ đã giải ngân gần 103,2 tỷ đồng cho các chủ rừng, UBND cấp xã (đạt 88,4% so với kế hoạch chi được duyệt năm 2019); trong đó bao gồm số tiền thu vượt 24% là 27,4 tỷ đồng năm 2018 và chi ứng 70% theo số thực thu của năm 2019. Số còn lại năm 2019 sẽ thanh toán khi xác định diện tích rừng cung ứng DVMTR theo quy định hiện hành.
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phân tích: Dự báo được tình trạng sụt giảm nguồn thu, ngay từ giữa năm, Quỹ đã báo cáo UBND tỉnh về nội dung này, đồng thời gửi thông báo cho các chủ rừng, UBND cấp xã để tự điều chỉnh kế hoạch dự kiến chi đối với nguồn thu tương ứng 75% này. Đặc biệt, năm 2019, Nghị định 156 có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi liên quan đến chính sách chi trả DVMTR. Vì vậy, Ban Giám đốc Quỹ đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành những văn bản liên quan về tổ chức bộ máy, điều lệ hoạt động và quy định cụ thể việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời cùng các sở, ngành xây dựng cơ chế, cụ thể hóa chính sách để làm căn cứ thực hiện năm 2020. Trong đó, tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành hệ số K thành phần làm căn cứ chi trả, tạo sự công bằng trong việc thực thi chính sách chi trả DVMTR; khảo sát, nắm chắc thông tin dữ liệu, phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai tới 59 chủ rừng (đạt 100%) để mở 1.896 tài khoản thực hiện chi trả tiền cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng. Điều này giúp bảo đảm tiền DVMTR được công khai, minh bạch và giảm thiểu rủi ro trong chi trả. 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2020, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục quản lý chặt chẽ nguồn thu, quán triệt các cơ sở sử dụng DVMTR thực hiện kê khai, nộp đúng thời gian quy định theo cam kết tại hợp đồng ủy thác đã ký nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu tiền DVMTR năm 2020 là 106,2 tỷ đồng. Chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời những vướng mắc, tồn tại từ cơ sở trong hoạt động tiếp nhận và sử dụng tiền chi trả DVMTR nhằm đảm bảo nguồn chi được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, giám sát các đơn vị cung ứng trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng bản đồ để làm căn cứ xác định diện tích rừng cung ứng chi trả tiền DVMTR năm 2020.
MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.