Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Phú Thiện (Gia Lai) đang có những bước đi đúng đắn, vững chắc nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Xây dựng thương hiệu gạo
Nhờ có công trình đại thủy nông Ayun Hạ cung cấp nguồn nước tưới dồi dào nên huyện Phú Thiện trở thành vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên với diện tích 6.070 ha/hơn 11.000 ha toàn vùng. Để phát huy hết tiềm năng của đất đai, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) khẳng định nhiệm vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hướng đến nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích nhằm cải thiện thu nhập cho người dân. Giải pháp quan trọng được huyện đề ra là xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” và cánh đồng mía lớn, rau lớn.
Vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện tiếp tục triển khai 24 cánh đồng lúa lớn một giống với tổng diện tích hơn 1.200 ha. Năng suất trên các cánh đồng lớn qua các năm đã ổn định 8,5 tấn/ha (cao hơn 1-1,5 tấn/ha so với các cánh đồng sản xuất truyền thống). Riêng năm 2019, tổng sản lượng lương thực quy thóc của huyện đạt hơn 100.000 tấn. Đáng ghi nhận là ở các cánh đồng lớn đều có sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số. Các giống lúa mới có chất lượng cao, gạo mềm, thơm ngon như: LH12, OM4900 và TBR225 được đưa vào sản xuất ổn định đại trà tạo cơ sở để xây dựng thương hiệu gạo. Sản phẩm “Gạo Phú Thiện” của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) đã được đóng bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc, bán rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
 Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.P
Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa. Ảnh: Đ.P
Để thúc đẩy lộ trình xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, UBND huyện đang có kế hoạch xuất ngân sách gần 1 tỷ đồng mua lúa giống, phân bón hỗ trợ nông dân các xã mở rộng cánh đồng lúa lớn một giống. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp bằng chứng nhận “Nhãn hiệu chứng nhận gạo Phú Thiện-Gia Lai”. Việc này đã định danh sản phẩm gạo Phú Thiện trên bản đồ lúa gạo cả nước; khẳng định quyền được bảo hộ mặt hàng gạo Phú Thiện trên toàn quốc và mở ra cơ hội để sản phẩm vươn xa ra các thị trường lớn hơn. “Đây là bước đột phá, mở ra cơ hội to lớn và là bước ngoặt đối với người dân trồng lúa, các HTX, doanh nghiệp kinh doanh, các nhà sản xuất, chế biến gạo Phú Thiện nói riêng và nông dân trong toàn tỉnh nói chung”-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Rơ Chăm La Ni cho hay. 
Phát huy vai trò của HTX
Toàn huyện Phú Thiện hiện có 20 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tổng số thành viên tham gia là 520 người; tổng vốn đăng ký hơn 24,1 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu của các HTX là dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, giao thông nội đồng, vật tư nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận tải hành khách, hàng hóa... 
Điển hình trong số này có HTX Nông nghiệp Chư A Thai với hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho nông dân. Đây là mô hình điểm của tỉnh về xây dựng HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX-cho biết: “Hợp tác xã đã liên kết với một số địa phương trong huyện hình thành 3 cánh đồng lớn một giống sản xuất lúa chất lượng cao. Mỗi năm, HTX cung ứng cho nông dân hàng trăm tấn phân bón, lúa giống đảm bảo chất lượng, giá thấp hơn thị trường và thu mua 100-300 tấn lúa cho bà con trong huyện. Giá thu mua lúa của HTX luôn cao hơn thị trường 200-300 đồng/kg”.
Hoặc như HTX Cá giống Ia Peng (xã Ia Peng) đang dần khẳng định là đơn vị cung cấp cá giống nước ngọt uy tín hàng đầu khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, HTX đang quản lý 15 ha ao hồ, mỗi năm sản xuất, tiêu thụ hơn 40 tấn cá giống cho các thành viên và nông dân. Thị trường của HTX được mở rộng với hơn 30 đại lý khắp các tỉnh Tây Nguyên và Bình Định, Phú Yên.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì bên cạnh nhân rộng cánh đồng lúa lớn một giống gắn với xây dựng thương hiệu gạo, huyện áp dụng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có gắn kết với các doanh nghiệp nhằm xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất. Trong đó, các HTX đóng vai trò cầu nối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để vận động, tập hợp, hướng dẫn và tổ chức cho người dân đi vào sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và ổn định thu nhập, đảm bảo an toàn thực phẩm.
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.