Cần có đầu tàu đột phá cho nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giải pháp chế biến sâu nông sản không phải nhà vườn nào cũng đáp ứng được chất lượng
Báo cáo đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra đối với kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đề xuất rõ giải pháp cho nông sản Việt Nam là thúc đẩy tiêu thụ trong nước; điều chỉnh kế hoạch sản xuất các mặt hàng; nghiên cứu cơ hội chuyển đổi phương thức sản xuất và kinh doanh...
Thị trường trong nước rất hạn hẹp
Tuy nhiên, dư địa để tăng tiêu thụ nông sản ở nội địa không nhiều. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhìn nhận sự cần thiết kích thích tiêu thụ sản phẩm trong nước tại thời điểm này nhưng không thể coi là "cứu cánh" cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. "Không phủ nhận đây là một kênh tiêu thụ cần được tăng cường trong bối cảnh dịch bệnh gây ra tình trạng ùn ứ và rớt giá nông sản, cần được giải phóng gấp. Các hoạt động giải cứu cũng đã thể hiện hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cầu trong nước chỉ có một giới hạn nhất định và khó tăng được nhiều" - ông Đông nhận xét.
Vụ trưởng Trần Duy Đông cũng phân tích các giải pháp như tổ chức giải cứu, làm việc với các hệ thống bán lẻ… để tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là thanh long và dưa hấu, có thể coi là những giải pháp "phi thị trường" nếu đặt trong bối cảnh bình thường. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh hoặc khủng hoảng, đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, DN lớn cũng cần cho thấy trách nhiệm xã hội trong các tình huống này.
Về phía Bộ Công Thương, ông Đông cho biết hoàn toàn không có công cụ để quản lý hoặc can thiệp vào việc kinh doanh của các hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, trong tình huống cụ thể hiện nay, bộ cũng đã có công văn gửi các sở công thương và những hệ thống phân phối lớn, yêu cầu tăng thu mua, tăng cường các biện pháp dự trữ, tăng kết nối cung cầu. Ngoài ra, bộ đã làm việc trực tiếp với các nhà phân phối lớn như Big C, Aeon, Saigon Co.op, Hapro, Vinmart… đề nghị có các chương trình hỗ trợ để giúp nông dân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, bộ cũng đã đề nghị Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam giảm phí vận chuyển, lưu kho để "chia lửa" với các nhà phân phối, sản xuất… nhằm hỗ trợ kế hoạch kích cầu trong nước.
"Tại một số quốc gia, thậm chí còn có đạo luật riêng với các biện pháp hỗ trợ trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng nặng nề. Chúng ta không có luật nhưng đòi hỏi có những kịch bản thật sự cụ thể theo hướng đòi hỏi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của nhà quản lý, DN, người dân. Cũng cần có nguồn ngân sách kịp thời để xử lý những vấn đề này" - ông Đông nêu ý kiến.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Trần Duy Đông cho rằng do hạn chế của thị trường nội địa nên vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các thị trường thay thế Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, dễ tính khi tiêu thụ đến 70% nông sản xuất khẩu của Việt Nam nên vẫn phải tìm cách giữ ổn định thị trường này. "Kiểm soát dịch bệnh tốt nhưng không ảnh hưởng quá lớn tới giao thương với Trung Quốc cũng là nhiệm vụ quan trọng hiện nay" - ông Trần Duy Đông nói thêm.
Tại TP HCM, trong buổi làm việc của Sở Công Thương và Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao vào tuần trước về giải pháp chế biến nông sản để hỗ trợ đầu ra cho nông sản đang bí bách vì dịch nCoV, một số DN chế biến nông sản TP và các tỉnh phía Nam cũng đã tính toán giải pháp tăng mua nông sản dự trữ hoặc gia công chi phí thấp cho các DN làm thương mại.
Chế biến mít sấy trong nhà máy của Vinamit. Ảnh: HƯƠNG VŨ
Chế biến sâu cũng không dễ
Trong bối cảnh tiêu thụ sản phẩm tại chỗ không có nhiều dư địa, giải pháp chế biến sâu - vốn đã được nhắc đến nhiều lần nhưng thực hiện chưa hiệu quả - lại tiếp tục được DN, chuyên gia đề cập. Công ty CP Thực phẩm Á Châu (ABC Bakery) mới đây đã thực nghiệm thành công việc chế biến bánh mì từ thanh long. Dự kiến cuối tuần này, công ty sẽ tổ chức giới thiệu bánh mì thanh long cùng một số sản phẩm có sử dụng nông sản khác như bánh sầu riêng, bánh khoai môn, tiến tới phát triển sản phẩm ra toàn hệ thống ABC Bakery.
Trong khi đó, Công ty CP Vinamit cũng sẽ xem xét thu mua nông sản để "cứu" nông dân với điều kiện sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của công ty. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Vinamit, cho hay sau buổi làm việc với các DN, chưa có DN hay HTX nông nghiệp nào liên hệ với Vinamit và việc hợp tác giải cứu nông sản không dễ thực hiện. "Điều kiện tiếp nhận là nông sản phải bảo đảm nguồn gốc, Vinamit phải khảo sát, tương tác với nhà vườn. Công ty chỉ mua sản phẩm đã qua sơ chế mà quy cách và điều kiện sơ chế, bảo quản sau sơ chế cũng phải theo hướng dẫn của chúng tôi. Mít phải được ủ chín đúng phương pháp, trong vòng 2 giờ sau khi tách múi phải đưa vào kho lạnh bảo quản nên chỗ sơ chế phải gần kho lạnh của Vinamit. Nếu vùng nguyên liệu lớn, tập trung thì công ty phải thiết lập kho lạnh tại chỗ" - ông Viên nêu rõ.
Ngoài ra, theo ông Viên, yêu cầu truy xuất nguồn gốc là một trong những hạn chế lớn khiến sản phẩm nông sản cần giải cứu hiện tại không bán được cho DN sản xuất, chế biến uy tín. "Phải có chương trình để gắn kết dài hạn chứ không phải đột xuất giải quyết vài trăm hay vài ngàn tấn. Vinamit đang thử nghiệm các sản phẩm mới là nước thanh long, dưa hấu và ổi sấy khô, có nhu cầu về nguyên liệu nhưng khó có thể thu mua nguyên liệu từ những vùng cần giải cứu. Chúng tôi có sẵn vùng nguyên liệu thanh long và mít, còn dưa hấu thì chưa" - ông Viên nói và cho biết với những yêu cầu ngặt nghèo, hầu hết HTX, hộ nông dân đều thoái lui.
Một vấn đề khác được các DN chế biến nông sản lớn của TP HCM phản ánh là hiện ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam đã phát triển mạnh, không chỉ ngang bằng mà còn hơn một số nước về trang thiết bị, quy trình, quản trị. Dù vậy, khi ra thị trường, đa số DN nội địa phải chịu thua vì tâm lý người tiêu dùng còn chuộng hàng ngoại và phương pháp bán hàng chưa phù hợp.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho rằng các giải pháp bảo quản, chế biến sâu là cần thiết và cần tiếp tục được triển khai bởi đây là giải pháp phát triển lâu dài, căn cơ cho nông nghiệp Việt Nam trong tương lai. "Chính sách hỗ trợ không nên dàn trải mà phải đầu tư trọng điểm vào một số DN có tính dẫn dắt thị trường, những đầu tàu có khả năng kích thích, lôi kéo nhiều DN nhỏ tham gia chuỗi.
"Cần tập trung chính sách hỗ trợ cho đất đai, khoa học công nghệ. Hô hào chung chung mà không có đột phá thì không làm được. Mỗi lĩnh vực phải có một số đầu tàu đi trước thì mới kéo được những DN khác đi lên. Hiện nay đã có những DN làm rất tốt và có triển vọng trở thành đầu tàu có tính kích thích như Masan, Vingroup, THACO…" - ông Trần Duy Đông gợi ý. 
Hỗ trợ chỉ là tạm thời

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nêu quan điểm không thể trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của nhà nước. Sự hỗ trợ có thể chỉ là tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối... Về dài hạn, phải làm căn cơ hơn như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn...

Phương Nhung-Thanh Nhân (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.