Đak Đoa: Nông dân liên kết sử dụng điện sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đak Đoa, Gia Lai đã tự bỏ tiền để đầu tư trạm biến áp, đường dây điện phục vụ sản xuất. Không chỉ giảm áp lực cho ngành điện, các công trình này còn kịp thời giải quyết nhu cầu thiết thực của người dân trong vùng.
Gia đình anh Hnhel (làng Nú, xã Hà Bầu) có hơn 4 sào cà phê tái canh trồng xen với chanh dây. Trước kia, mỗi khi vào vụ tưới, anh phải chạy đôn chạy đáo mua dầu về dự trữ bơm tưới cho cây trồng. Đó là chưa kể chi phí đầu tư hệ thống bơm tưới bằng dầu khá tốn kém (khoảng 15 triệu đồng-NV) và máy móc dễ bị hư hỏng nếu không được bảo dưỡng thường xuyên. Cuối năm 2017, khi biết tin có trạm biến áp do tư nhân đầu tư tại khu sản xuất của làng, anh liền đăng ký kéo điện để thuận tiện cho việc tưới nước. Anh Hnhel chia sẻ: “Từ khi có điện, tôi không phải lo giá dầu lên xuống hoặc thiếu nhiên liệu vận hành máy bơm để tưới cây. Tôi cũng không mất sức để quay máy nổ mà chỉ cần bật cầu dao là tưới thôi. Vì nhẹ nhàng như thế nên mỗi lúc tôi bận việc, vợ có thể tưới thay. Chẳng những giảm bớt được công lao động mà khi dùng máy bơm điện còn tiết kiệm được 30-40% chi phí so với bơm dầu”. 
  Dùng máy bơm bằng điện, nông dân tiết kiệm được 30-40% chi phí so với dùng máy bơm dầu. Ảnh: M.T
Dùng máy bơm bằng điện, nông dân tiết kiệm được 30-40% chi phí so với dùng máy bơm dầu. Ảnh: M.T
Gia đình anh Hnhel là một trong 25 thành viên của Tổ liên kết điện làng Nú, sử dụng nguồn điện từ trạm biến áp đặt tại khu sản xuất của làng. Công trình này do 2 nông dân Ngô Văn Tiên (xã Nam Yang) và Yun (xã Hà Bầu) “bắt tay” đầu tư vào cuối năm 2017 với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; sau đó liên kết với các hộ dân trong vùng sản xuất để kéo điện lưới 3 pha phục vụ tưới cho các loại cây trồng. Ông Yun-Tổ phó Tổ liên kết điện làng Nú-cho hay: “Trước sự bất tiện của việc bơm tưới bằng dầu, tôi và anh Tiên đã bàn bạc, thống nhất việc đầu tư đường dây điện, trạm biến áp này để phục vụ gia đình cũng như những hộ trong khu sản xuất có nhu cầu. Khi đăng ký dùng điện chung, mỗi hộ tự chịu chi phí kéo dây điện, mua công tơ và đóng góp tùy theo diện tích sản xuất của mình với mức 1,8 triệu đồng/sào; riêng tiền điện sử dụng bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Đồng thời, họ phải cam kết không tưới ngoài diện tích mà mình đã đăng ký. Đến nay, tổng diện tích cây trồng mà bà con tưới bằng điện từ trạm biến áp là 60 ha và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên hơn 100 ha trong năm nay”.
Tương tự, tại xã Nam Yang hiện có khoảng 5 trạm biến áp hạ thế do người dân bỏ vốn đầu tư đang hoạt động hiệu quả. Một trong số đó là trạm của gia đình ông Huỳnh Mau (thôn 3, xã Nam Yang). Năm 2014, ông Mau quyết định bỏ ra 980 triệu đồng để xây dựng trạm biến áp và kéo đường dây điện 3 pha để phục vụ tưới cho gần 20 ha cây ăn quả, cao su, cà phê, hồ tiêu và rau màu của mình. Một thời gian sau, nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc tưới bằng điện, các hộ dân trong vùng đề nghị liên kết dùng chung lưới điện này với phí đóng góp là 1,5 triệu đồng/sào và chịu mức giá điện chênh lệch 200 đồng/kWh so với giá Nhà nước để bù vào số điện năng tổn thất do hao hụt đường dây. “Điện về tới tận khu sản xuất, bà con phấn khởi lắm. Giờ đang có 20 hộ sử dụng điện cùng gia đình tôi để tưới cho 40 ha cây trồng. Với những hộ khó khăn, tôi thường tạo điều kiện bằng cách thanh toán tiền điện cho Nhà nước trước rồi cuối năm họ có nguồn thu thì sẽ gom trả lại sau”-ông Mau nói.
Thời gian qua, với sự đầu tư của Nhà nước và ngành điện, hạ tầng lưới điện đã được kéo đến khắp các xã, thị trấn của huyện Đak Đoa. Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên điện lưới quốc gia vẫn chưa thể phủ kín đến tận khu sản xuất của người dân. Việc tư nhân tham gia đầu tư lưới điện trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Phiện-Phó Giám đốc Điện lực Đak Đoa-cho biết: Trên địa bàn huyện có hơn 100 trạm biến áp do khách hàng đầu tư. Thông thường, sau khi khách hàng đến đăng ký thủ tục đấu nối, Điện lực sẽ cùng với họ và đơn vị thi công do họ lựa chọn tiến hành khảo sát, thỏa thuận vị trí đấu nối và đặt trạm biến áp. Công trình hoàn thành, chúng tôi tiếp tục đến nghiệm thu về mặt kỹ thuật, nếu đảm bảo thì mới đấu nối vào lưới điện quốc gia và thực hiện hợp đồng mua bán điện theo quy định.
Ông Phiện thông tin thêm, đối với các công trình do người dân đầu tư, Điện lực Đak Đoa thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm hỗ trợ sửa chữa kịp thời những hư hỏng hoặc có thể cắt điện trong trường hợp không đảm bảo an toàn, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên theo dõi việc phát sinh phụ tải của các trạm biến áp này để chấn chỉnh và xử lý ngay khi có sai phạm, tránh quá tải cục bộ.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.