Kbang: Trồng cam, quýt thu "trái ngọt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Kbang (Gia Lai), cây cam, quýt cho sản lượng ổn định, chất lượng thơm ngon và được thị trường ưa chuộng. Nhờ trồng loại cây này mà nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vườn cam, quýt của gia đình anh Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai) đang bước vào vụ thu hoạch, cây nào cây nấy sai trĩu quả. Anh Đức cho biết: Vườn nhà anh hiện có trên 2.700 cây cam, quýt, trong đó 2.000 cây đang cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt hơn 40 tấn quả/năm. Tùy loại quả mà giá bán từ 12 ngàn đồng đến 40 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh thu về hơn 350 triệu đồng/năm.
 Vườn cam, quýt trĩu quả của gia đình anh Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) mỗi năm cho thu nhập trên 350 triệu đồng. Ảnh: N.M
Vườn cam, quýt trĩu quả của gia đình anh Đặng Văn Đức (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) mỗi năm cho thu nhập trên 350 triệu đồng. Ảnh: N.M
Theo anh Đức, trước đây, gia đình anh trồng cà phê và mì nhưng thu nhập thấp. Sau khi đi tham quan và tìm hiểu một số mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn, anh nhận thấy trồng cam, quýt là khả thi nhất. Đầu năm 2009, anh mạnh dạn phá bỏ hơn 1 sào cà phê để trồng 180 cây quýt đường; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Cây quýt thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng nên phát triển tốt, ít sâu bệnh. Nhờ chăm sóc, bón phân, phun thuốc, tưới nước... đúng quy trình kỹ thuật, 3 năm sau, cây ra hoa đậu quả. “Ngay vụ đầu tiên, tôi thu được hơn 1 tấn quýt. Bán giá 20 ngàn đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 20 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với trồng cà phê. Từ kết quả thực tế này, tôi đã chuyển toàn bộ hơn 2 ha cà phê sang trồng cam, quýt”-anh Đức nói.
Tương tự, nhận thấy cây ăn quả có múi mang lại thu nhập cao, đầu năm 2015, anh Phạm Tố Hữu (thôn Thống Nhất, xã Sơn Lang) đã phá bỏ 8 sào cà phê để trồng cam, quýt và bưởi. Anh Hữu chia sẻ: Trên địa bàn xã có nhiều hộ dân thành công với mô hình trồng cam, quýt. Vì thế, sau khi đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình này và nắm vững kỹ thuật, tôi bắt tay vào cải tạo vườn, lắp hệ thống tưới nước tự động để trồng 200 cây cam sành, 250 cây quýt đường và 50 cây bưởi da xanh. Đến nay, các loại cây trồng này đã cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 8-10 tấn quả/năm Với giá bán 20-25 ngàn đồng/kg, mỗi năm tôi thu lãi 150-180 triệu đồng từ vườn cây ăn quả. Cuối năm 2018, tôi trồng thêm 1 ha cam, quýt. Cũng theo anh Hữu, Kbang có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ nên cam, quýt phát triển tốt, cho quả mọng nước, vị ngọt đậm đà được thị trường ưa chuộng. 
Chị Nguyễn Phương Lan là một thương lái ở thị xã An Khê đã có hơn 10 năm buôn bán trái cây. Cứ tới mùa thu hoạch cam, quýt, chị lại vào tận các nhà vườn ở Kbang thu mua, đóng thùng xuất bán đi Bình Định, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng. Chị Lan cho hay: “Bình quân mỗi ngày, tôi mua khoảng 600 kg cam, quýt. Hàng nhập về đến đâu, khách đặt mua hết tới đó. Cũng như nhiều loại trái cây khác của Kbang, cam, quýt được người tiêu dùng đánh giá rất cao cả về mẫu mã và chất lượng”. 
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Cách đây hơn 20 năm, nhiều giống cam nổi tiếng của cả nước như cam sành, cam Bố Hạ, cam Vinh… đã được người dân Kbang mang về trồng thử. Cây hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho sản lượng ổn định, chất lượng quả ngọt thơm không thua kém so với nơi xuất xứ, được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam, quýt. Đến nay, toàn huyện có gần 100 ha cam, quýt, bưởi tập trung ở các xã: Sơn Lang, Sơ Pai, Nghĩa An, Kông Lơng Khơng và xã Đông.  
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, UBND các xã tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để người dân áp dụng vào sản xuất, trồng trọt. Ngành cũng sẽ định hướng người dân trồng cam, quýt liên kết sản xuất theo nhóm hộ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân ghi chép đầy đủ quá trình chăm sóc để trên cơ sở đó, sau này, cơ quan chuyên môn, ngành chức năng làm thủ tục cấp mã số vùng trồng… Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập”-ông Tình thông tin thêm.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.