Giá thịt lợn "phi mã" có thể phá vỡ ngành chăn nuôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước tình hình giá thịt lợn “phi mã”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường lo ngại: “Nếu cứ đà tăng như hiện nay thì rất nguy hiểm, sẽ dẫn đến hệ lụy xấu là phá vỡ ngành chăn nuôi, rối loạn thị trường thịt lợn”.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi có những biến động thất thường, nếu như 4 tháng đầu năm 2019, biểu giá lợn hơi ở mức 36.949 - 44.420 đồng/kg ở miền Bắc và 43.000 - 49.200 đồng ở miền Nam thì từ tháng 5 đến tháng 7, giá lợn hơi giảm sâu đến mức kỷ lục, do người tiêu dùng e ngại dịch tả lợn châu Phi, có thời điểm, giá lợn hơi chỉ còn 28.000 đồng/kg.
Tuy nhiên từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi tăng dần, hiện giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc đang ở mức 66.500 đồng/kg; giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam là 63.500 đồng/kg.
 Cục Chăn nuôi nhận định, về cơ bản giá lợn hơi trong nước thấp và ít biến động hơn các nước xung quanh (hiện giá lợn hơi Trung Quốc đã lên đến 137.238 đồng/kg). Lý giải hiện tượng giá lợn hơi tăng cao thất thường những ngày qua, Cục Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề làm cho tình hình phức tạp hơn, trong đó có hiện tượng găm giá, thổi giá do các thương lái nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung của các doanh nghiệp, buộc phải mua qua trung gian nên đẩy giá lên cao. 
Ở ngay khu vực Hà Nội, lợn bán ra của Công ty CP Việt Nam ngày 14/11 là 66.000 đồng/kg, nhưng thông tin thì đưa giá lợn hơi Hà Nội là 73.000 đồng/kg - Cục Chăn nuôi lấy ví dụ.
Giá thịt lợn tăng quá nhanh gây bất ổn và rối loạn thị trường.
Đại diện Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết, do dịch tả châu Phi, đàn lợn của toàn tỉnh giảm đến 28% so với cùng kỳ. Hiện nay, giá lợn hơi xuất chuồng tại Hưng Yên phổ biến ở mức 75.000 đồng/kg. Còn tại Bắc Giang, ông Nguyễn Viết Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, Bắc Giang cũng bị giảm 25% tổng đàn lợn do dịch tả châu Phi. 
Do giá thịt lợn trên địa bàn tăng mạnh, hiện giá xuất chuồng phổ biến ở mức 75.000-76.000 đồng/kg nên kéo theo giá gà tăng mạnh. Giá gà đồi Yên Thế loại ngon đã vượt mức 100.000 đồng/kg, loại bình thường cũng ở mức 70.000-80.000 đồng/kg, trong khi chỉ 2 tháng trước, giá gà này chỉ ở mức 50.000 đồng/kg.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn đang ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg. Còn tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, giá lợn  hơi tại TP và các tỉnh lân cận đạt 70.000 - 72.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Trung lại nêu một bất cập là giá thịt ba chỉ đã 200.000 đồng/kg. "Ở đây có yếu tố trung gian rất lớn, người bán lẻ ít hơn, trước đây, 1 ngày TPHCM tiêu thụ 9.500 - 10.000 con, hiện chỉ 8.000 - 8.500 con. Người bán lẻ phải bán tăng giá để bù đắp chi phí. Riêng những doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết nếu có được hệ thống cung cấp  bán trực tiếp từ giết mổ đến bán lẻ thì điều tiết được giá" - ông Trung nói. Theo ông Trung, để bình ổn được giá thịt lợn hiện nay, cần phải nắm được chính xác tổng đàn lợn thương phẩm hiện nay ra sao thì mới đánh giá được nguồn cung ra thị trường như thế nào, từ nay đến Tết thiếu thịt lợn nhiều hay ít.
Tại cuộc họp khẩn chiều muộn ngày 18-11, đại diện các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng thừa nhận, giá lợn hơi tăng quá nhanh sẽ khiến người tiêu dùng lo lắng, gây bất ổn, thiếu bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. Giá tăng, nông dân  tái đàn bột phát, thiếu kiểm soát có thể gây dịch trở lại. Giá tăng cao còn có khả năng tăng nhập khẩu thịt lợn, phá vỡ quy hoạch ngành chăn nuôi, đem thêm mầm bệnh vào. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công  ty Chăn nuôi CP cho biết, giá thịt lợn hiện tăng quá cao, chỉ tuần trước, doanh nghiệp này xuất chuồng giá lợn ở mức 65.000 đồng/kg thì tuần này đã xuất chuồng ra với giá 68.000 đồng/kg dù lượng xuất ra vẫn ổn định ở mức 16.000-17.000 con lợn/ngày, so với thời điểm trước khi có dịch tả châu Phi là tương đương. 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu thông tin thị trường phải chính xác.
Đại diện Công ty chăn nuôi CP kiến nghị: "CP luôn nỗ lực bán giá thấp hơn so với bên ngoài nhưng chỉ một mình CP thì không làm nổi, vì vậy tôi kiến nghị phải làm quyết liệt việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. "Làm mạnh là giá lợn hơi giảm ngay". 
Ngoài ra, ông Tuấn cảnh báo một thực tế, hiện có hiện tượng thu gom lợn giống bán sang Trung Quốc, chủ yếu từ 10-30kg. "Nếu kéo dài tình trạng này có thể gây ra thiếu lợn trong thời gian tới. Quan điểm của CP là kéo dài thời gian nuôi là giải pháp tăng lượng thịt ra thị trường nhanh nhất. Nếu khuyến khích người nuôi trên 30 tuần, 1 con lợn có thể đạt 1,2 tạ, nguồn cung thịt tăng khoảng 30%", ông Tuấn nói thêm.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nếu không các các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài. Do đó, ông Cường yêu cầu các bộ ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh tâm lý thị trường.
 “Trước mắt, phải tăng nguồn cung, đó là các loại thực phẩm: thủy sản, gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng. Theo các chuyên gia, vấn đề cốt lõi hiện nay là Bộ NN&PTNT cần nắm lại chính xác nguồn cung thịt lợn trong nước, cùng với đó là dự báo nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm để có phương án. 
Trúc Linh (Công an nhân dân Online)

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.