Tạo đột phá về phát triển rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 11-9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chuyên đề “Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”. Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra những bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai.
Phù hợp với thực tế địa phương
Thông tin về nội dung tờ trình trước hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: Những năm qua, rau, hoa và cây ăn quả đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, là nhóm cây trồng giàu tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới ngày càng tăng chính là cơ hội và triển vọng cho rau, hoa, quả của tỉnh mở rộng thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, quả trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là phát triển sản xuất chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro; thiếu sự liên kết trong sản xuất; năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị và thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp.
Theo ông Đinh Duy Vượt-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, việc ban hành nghị quyết trong thời điểm này là rất cần thiết. Các loại cây trồng nêu trong nghị quyết đã được người dân tiếp cận và triển khai. Tuy nhiên, cần xác định cây trồng chủ lực để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, tránh trường hợp xây dựng cùng lúc nhiều sản phẩm nhưng không sản phẩm nào có thương hiệu. Đồng thời, phải chủ động quy hoạch diện tích mới có thể thu hút nhà đầu tư; hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng hợp lý trong điều kiện cây mía đang thoái trào, năng suất thấp, giá cả bấp bênh.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khảo sát tình hình phát triển cây ăn quả tại khu vực núi Đá Lửa (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Trần Dung
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang khảo sát tình hình phát triển cây ăn quả tại khu vực núi Đá Lửa (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Trần Dung
Cùng quan điểm, ông Hồ Phước Thành-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho rằng: Cần xác định các loại cây chủ lực của địa phương như sầu riêng, bơ, chuối và cây có múi, còn những loại khác thì đưa vào dạng cây trồng tiềm năng. Bên cạnh đó, định hướng xây dựng vùng chuyên canh đối với các loại cây trồng chủ lực, hình thành nhà máy, cơ sở chế biến, tăng cường kiểm soát chất lượng từ khâu đầu vào cho đến thành phẩm. “Cần xác định vùng trồng, không nên phát triển tràn lan ở các địa phương, tổ chức hướng dẫn người dân tiếp cận thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra giá trị cho cây trồng”-ông Thành đề xuất.
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng khẳng định, Nghị quyết phù hợp với nguyện vọng của địa phương để phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai. Ngoài việc kiến nghị quy hoạch diện tích cho vùng sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, xây dựng chợ đầu mối rau ở thị xã An Khê để thuận lợi hơn cho việc chuyên chở sản phẩm đi các tỉnh miền Trung, Bí thư Thị ủy An Khê còn đề xuất phát triển cây dừa và bổ sung vào quy hoạch 2 loại cây bản địa hiện có tại địa phương gồm sim và dâu da đỏ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều ý kiến về các vấn đề như: cần có quy hoạch vùng cho phát triển rau, hoa, cây ăn quả; xác định được những loại cây chủ lực của từng địa phương, từng vùng; cần có chiến lược mở rộng thị trường, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; gắn phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả với một số mô hình dịch vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Thọ-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đak Đoa-nêu ý kiến: Chúng ta phải xác định trong chỉ tiêu cụ thể giai đoạn 2020-2025 thì phải quy hoạch phân vùng để hướng dẫn nông dân tập trung canh tác một số loại cây chiến lược nhằm tạo ra vùng nguyên liệu. “Nếu đầu tư dàn trải, không khéo các địa phương lại “giẫm chân” lên nhau. Chúng tôi sẽ theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, tuy nhiên vẫn muốn tỉnh định hướng về quy hoạch”-ông Thọ nói.
Đề xuất nhiều giải pháp
Hiện nay, mục tiêu chung của ngành nông nghiệp là phát huy lợi thế để phát triển sản xuất bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, phương thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Tuy nhiên, vấn đề mà các đại biểu quan tâm hiện nay là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến chưa được quan tâm dẫn đến tỷ lệ thất thoát, tổn thất sau thu hoạch lớn; việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với không ít sản phẩm nông nghiệp còn bất cập. Chính điều này sẽ làm hạn chế về sức tiêu thụ các sản phẩm rau, hoa, quả của tỉnh trên cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.Vì vậy, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho biết sẽ tham mưu UBND tỉnh có chương trình cụ thể về phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu theo yêu cầu của cộng đồng, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất.
Trong khi đó, ông Trương Văn Đạt-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kbang thì đề xuất: Ngoài việc đầu tư xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm cần bổ sung chính sách tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông cho vùng sản xuất. Cùng với đó là nghiên cứu giải pháp hỗ trợ nông dân, đào tạo nghề và xây dựng phiên chợ nông sản sạch ở mỗi địa phương để tạo cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; kết hợp phát triển cây trồng gắn với du lịch nông nghiệp, sinh thái.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đề nghị Ban soạn thảo trên cơ sở các ý kiến đóng góp tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu để bổ sung các giải pháp; xác định các loại rau, hoa, cây ăn quả chủ lực phù hợp thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, phải xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý để phục vụ xuất khẩu, chế biến và tiêu dùng. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Khi Nghị quyết được ban hành, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, đề án và phân công nhiệm vụ đối với từng sở, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất, góp phần tạo ra những bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

Vụ lúa bội thu ở vùng biên giới Chư Prông

(GLO)- Huyện Chư Prông được xem là vựa lúa vùng biên của tỉnh khi các công trình thủy lợi đang phát huy hiệu quả, giúp người dân mở rộng diện tích sản xuất. Vụ Đông Xuân 2023-2024, năng suất lúa nơi đây ổn định, giá lúa khô lại tăng cao đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.