Nông dân Ia Pa liên kết sản xuất lúa giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ mùa 2019, từ việc ký hợp đồng với doanh nghiệp để sản xuất nguồn lúa giống xác nhận TH6 và TBR1, nông dân các xã Chư Răng, Chư Mố và Ia Kdăm (huyện Ia Pa, Gia Lai) đã thu được lợi nhuận lớn, mở ra cơ hội cho các vụ tiếp theo.

 

Huyện Ia Pa có trên 3.000 ha đất trồng lúa nước, trong đó hơn 1/2 diện tích được tưới bởi công trình đại thủy nông Ayun Hạ, phần còn lại được tưới chủ động bằng hệ thống trạm bơm điện, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nước. Dù vậy, mấy năm gần đây, năng suất và chất lượng hạt lúa trên địa bàn tăng chưa cao và thiếu tính bền vững do người dân sử dụng nhiều giống lúa khác nhau, giống lúa không rõ nguồn gốc để gieo trồng.

Ruộng lúa của người dân xã Chư Mố tham gia mô hình liên kết sản xuất giống lúa xác nhận.                     Ảnh: Đ.P
Ruộng lúa của người dân xã Chư Mố tham gia mô hình liên kết sản xuất giống lúa xác nhận. Ảnh: Đ.P
Bà Đoàn Thị Phú Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa: “Theo cam kết thì cả 2 công ty tham gia mô hình sẽ tiếp tục thu mua giống lúa TBR1 và TH6 cho bà con trong các vụ tới. Đây là điều kiện thuận lợi để người trồng lúa trên địa bàn được chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa giống, là bước đi vững chắc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân”.

Để khắc phục tình trạng trên, trong vụ mùa 2019, UBND huyện Ia Pa cho phép Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed-Chi nhánh miền Trung-Tây Nguyên và Công ty TNHH Giống cây trồng Thành Lợi (tỉnh Bình Định) triển khai mô hình sản xuất giống lúa xác nhận TH6 và TBR1 tại địa bàn xã 3 xã: Chư Răng, Chư Mố và Ia Kdăm. Với kinh phí hơn 270 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã ký hợp đồng với 2 công ty trên cung cấp lúa giống TBR1, TH6 nguyên chủng cho nông dân gieo sạ và cam kết bao tiêu sản phẩm lúa giống xác nhận do người dân làm ra. Có 120 hộ dân ở 3 xã tham gia mô hình với diện tích 50 ha. Ngoài được hỗ trợ lúa giống, nông dân tham gia mô hình phải góp 50% chi phí, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Ngay từ đầu vụ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng, 4 cùng” cho các hộ tham gia mô hình. Trong suốt vụ mùa, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật cùng cán bộ chuyên môn của 2 công ty theo sát để hướng dẫn nông dân cách thức chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, sau 105 ngày từ khi gieo trồng, năng suất lúa TBR1 đạt bình quân 1 tấn/sào và lúa TH6 đạt 9,5 tạ/sào, cao hơn hẳn ruộng lúa gieo trồng theo phương pháp truyền thống gần 2 tạ/sào.

Ông Ksor Grem (buôn Ama Hlim, xã Chư Mố) cho biết: Giống lúa TH6 nguyên chủng được cấp không theo tiêu chuẩn 13 kg/sào, khi thu hoạch lại được lúa giống xác nhận nên có thể sử dụng để làm lúa giống sản xuất cho 2 vụ tiếp theo. “Trước đây, tôi gieo sạ 18-20 kg giống/sào, giờ giảm xuống còn 13 kg/sào. Lượng phân bón cũng giảm xuống một nửa, kể cả lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng lúa gieo sạ thưa hơn, đỡ tốn giống mà cây lúa vẫn phát triển tốt, năng suất đạt 9,5 tạ/sào trong khi trước đây chỉ đạt 8 tạ/sào”-ông Grem nói về những đặc điểm nổi trội của giống lúa nguyên chủng.

Điều đặc biệt khi tham gia mô hình là lượng lúa giống sản xuất ra được người dân tranh nhau mua. Ông Grem cho biết thêm: “Nhà tôi trồng 1,2 ha lúa TH6, cho thu hoạch tổng cộng 11,4 tấn lúa giống xác nhận, được bà con đăng ký mua rất nhiều. Phía Công ty Giống cây trồng Thành Lợi cũng cam kết thu mua toàn bộ với giá 4.300 đồng/kg lúa tươi, cao hơn thị trường 300 đồng/kg”.

Tương tự, ông Nguyễn Viết Kiên (thôn Bình Tây, xã Chư Răng) cũng phấn khởi cho hay: Gia đình có 7 ha lúa, trong đó, ông tham gia mô hình trồng 2,5 ha lúa TBR1. Nhờ được cấp giống lúa nguyên chủng và tập huấn kỹ thuật nên lúa phát triển tốt, năng suất trên 1 tấn/sào, đạt lợi nhuận 41 triệu đồng/2,5 ha, cao hơn ruộng lúa giống ML48 bên cạnh 10 triệu đồng/ha. “Rất nhiều nông dân trong xã đến tham quan ruộng lúa của gia đình tôi. Họ rất thích và đăng ký mua lúa giống xác nhận do tôi sản xuất để vụ sau trồng tiếp. Sản xuất lúa giống cũng không vất vả, chỉ cần khi đi thăm ruộng mình chú ý nhổ bỏ các bông lúa giống khác bị lẫn vào ruộng là được”-ông Kiên bày tỏ.

Bà Đoàn Thị Phú Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa-cho biết: Giống lúa TH6 và TBR1 cho năng suất lên đến 9,5-10 tạ/sào, hạt gạo tròn, nhiều tinh bột. Nông dân đạt doanh thu xấp xỉ 40 triệu đồng/ha, trừ chi phí sản xuất còn lãi hơn 16,4 triệu đồng/ha với lúa TBR1 và 14 triệu đồng/ha với lúa TH6, cao hơn cách làm truyền thống 10 triệu đồng/ha. Lượng lúa giống TBR1 và TH6 cấp xác nhận được sản xuất ra trong vụ mùa này khoảng 480 tấn, trừ đi khoảng gần 100 tấn do phía Công ty TNHH Giống cây trồng Thành Lợi cam kết thu mua cho dân thì vẫn còn hơn 380 tấn là nguồn lúa giống để người dân nhân rộng mô hình sản xuất trong các vụ tiếp theo.

 

 ĐỨC PHƯƠNG



 

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.