Gia Lai tìm "lối ra" cho cây cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cây cao su một thời được mệnh danh là “vàng trắng”, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho các doanh nghiệp và nhiều hộ dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Song vài năm trở lại đây, giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp khiến các doanh nghiệp, hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc tìm giải pháp để cây cao su phát triển bền vững hiện vẫn đang là bài toán khó với chính quyền, ngành chức năng địa phương cũng như các doanh nghiệp, hộ dân.  
Một thời hoàng kim
Ông Đan (làng Mrăh, xã Kdang, huyện Đak Đoa) cho hay: Cách đây hơn chục năm, ông được cha mẹ chia cho 7 sào cao su tiểu điền trồng theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp của tỉnh. Khi vườn cây bước vào giai đoạn khai thác cũng là lúc giá mủ cao su tăng cao, có thời điểm thương lái thu mua tận vườn với giá lên đến 40 ngàn đồng/kg mủ đông. Thời điểm đó, các hộ có diện tích cao su tiểu điền trong làng đều “sống khỏe”, mỗi buổi sáng bán mủ thu vài triệu đồng là chuyện thường. Nhờ số tiền bán mủ, gia đình ông không chỉ trả nợ được ngân hàng mà còn có dôi dư tích lũy. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi từ năm 2014 khi giá mủ cao su trên thị trường giảm dần, có thời điểm xuống tận đáy. Cuộc sống của các hộ trồng cao su tiểu điền gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ không muốn cạo mủ nữa, việc đầu tư chăm sóc cũng giảm dần. Trước đây, khi giá mủ cao, người dân bón phân cho cao su 2 đợt/năm thì hiện nay chỉ bón 1 đợt, thậm chí có hộ không buồn bón phân. Khó khăn là vậy nhưng trong làng hiện vẫn còn 76 hộ duy trì vườn cao su tiểu điền.
 Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê thu gom mủ đưa về nhà máy chế biến.  Ảnh: N.D
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê thu gom mủ đưa về nhà máy chế biến. Ảnh: N.D
Những năm giá mủ cao su tăng cao, người lao động trong các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị của Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn các huyện biên giới: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông cũng có nguồn thu nhập khá cao và ổn định. Nhờ đó, ở vùng trồng cao su, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày càng giảm, cơ sở hạ tầng được các đơn vị quan tâm đầu tư, giúp người dân được thụ hưởng.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về định hướng phát triển cây cao su vùng Tây Nguyên đến năm 2015, tầm nhìn 2020, trong giai đoạn 2008-2011, tỉnh đã cho phép 16 doanh nghiệp triển khai thực hiện 44 dự án trồng 25.346,4 ha cao su. Trong đó, diện tích cao su sinh trưởng bình thường là 12.659,6 ha; bị chết, phát triển kém 12.686,8 ha. Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác là 12.039 ha. Đến nay, diện tích cao su trên địa bàn tỉnh còn khoảng 96.286,2 ha, trong đó cao su tiểu điền khoảng 14.867 ha, cao su kinh doanh 74.765 ha... phân bố ở 11 địa phương.        
Cần giải pháp vực dậy ngành cao su
Cùng với cà phê và hồ tiêu, cao su trở thành cây trồng chủ lực của nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, giá mủ cao su xuống thấp, nhiều người dân đã chặt bỏ cao su tiểu điền để chuyển sang trồng các loại cây khác. Việc đầu tư cho cây cao su cũng thấp dần khiến năng suất mủ giảm từ 15 tạ/ha năm 2011 xuống còn 13,3 tạ/ha năm 2018…
Giá mủ cao su giảm mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.  Ảnh: internet
Giá mủ cao su giảm mạnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: internet
Để vực dậy sản xuất, thời gian qua, một số đơn vị trong quá trình tái canh những vườn cao su già cỗi, năng suất thấp đã trồng xen các loại ngắn ngày và dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cây dược liệu… khi cao su chưa khép tán nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Bước đầu, việc xen canh này đã mang lại những kết quả tích cực. Ông Trương Minh Tiến-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang-cho biết: Những năm gần đây, do giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh nên Công ty cũng như các đơn vị khác gặp rất nhiều khó khăn, công nhân nghỉ việc nhiều. Hiện Công ty đang nỗ lực để đảm bảo thu nhập cho người lao động từ 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Đặc biệt, Công ty đề xuất chọn những vùng đất phù hợp để chuyển đổi khoảng 1.000 ha trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như gáo vàng… Công ty rất mong tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường và nhà ở cho những gia đình công nhân khó khăn. Trong quá trình tái canh, khoảng 3 năm đầu, Công ty cho cán bộ, công nhân viên và người dân xen canh cây trồng khác để tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị địa bàn đứng chân.
Trong khi đó, ông Trần Trung Căn-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-đề xuất: Công ty mong muốn Nhà nước có chủ trương giải quyết đất ở cho công nhân khu vực biên giới. Hiện nay, Công ty đang tập trung tiết giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm cao su để tìm thị trường tiêu thụ mới.
Liên quan đến tình hình phát triển cây cao su trên địa bàn, trong buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cho hay: Những năm trước đây, cây cao su đã góp phần rất lớn trong xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Tuy nhiên, vài năm nay, giá mủ cao su giảm mạnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân. Trong thời gian tới, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị cần sớm lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất trồng cao su, chủ động phương án sản xuất kinh doanh. Đối với diện tích cao su tiểu điền, Sở Nông nghiệp và PTNT làm việc với các địa phương rà soát lại để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Những diện tích không hiệu quả nên chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn và phải kiểm soát chặt chẽ.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất Chính phủ có cơ chế về cơ cấu lại nợ vay của các doanh nghiệp trồng cao su, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ…
Trong chuyến khảo sát tình hình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới đây, ông Nguyễn Văn Tiến-Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và PTNT (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: Cao su là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên, vì vậy, các đơn vị cần triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển ổn định; tập trung lập kế hoạch, quy hoạch phát triển cây cao su từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, phải tìm những vị trí phát triển cao su phù hợp nhất. Trong quá trình thực hiện tái canh cao su, cần nhân rộng những mô hình xen canh hiệu quả, tránh lãng phí đất và không nhất thiết trồng cao su. Cần có chính sách hỗ trợ người dân trồng cao su liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong giai đoạn khó khăn này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần đề xuất, kiến nghị để cấp trên giải quyết về vốn vay, có chính sách hỗ trợ….
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.